Thứ Ba, 23 tháng 10, 2012

Kinh Tạp A Hàm - Bát Chánh Đạo và Giải Thoát

KINH 729. HỌC[21]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Ta sẽ nói về học[22] và vô học. Hãy lắng nghe, và suy nghĩ kỹ. Thế là nào học? Học thành tựu chánh kiến, học thành tựu chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Đó gọi là học. Những gì là vô học? Vô học thành tựu chánh kiến, Vô học thành tựu chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chanh niệm, chánh định. Đó gọi là vô học.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Như Học và Vô học, cũng vậy Đại sĩ và Chánh sĩ cũng nói như vậy.

KINH 730. LẬU TẬN[23]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
 “Ta sẽ nói về Thánh lậu tận. Sao gọi là Thánh lậu tận? Là vô học thành tựu chánh kiến,… cho đến không còn học thành tựu chánh định. Đó gọi là bậc Thánh lậu tận.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành. 

KINH 734. THANH TỊNH[27]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Tỳ-kheo, chánh kiến thanh tịnh, trắng tinh, không có các lỗi lầm, xa lìa các phiền não; chánh kiến chưa xuất hiện sẽ không xuất hiện, trừ phi có sự điều phục của Phật[28]cho đến chánh định cũng nói như vậy.
“Chánh kiến thanh tịnh, trắng tinh, không có các lỗi lầm, xa lìa các phiền não; chánh kiến chưa xuất hiện thì xuất hiện…” cho đến chánh định cũng nói như vậy.[29]
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Như trừ phi có Phật điều phục, cũng vậy trừ phi cóThiện Thệ điều phục cũng nói như trên.


KINH 737. BÀ-LA-MÔN[34]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Tôn giả A-nan sáng sớm đắp y mang bát vào thành Xá-vệ khất thực. Bấy giờ có Bà-la-môn Sanh Văn,[35] đi xe ngựa trắng, cùng với đoàn tùy tùng số đông thanh niên, đi ngựa trắng, xe trắng, dàm ngựa trắng, roi trắng, đầu đội mão trắng, dù lọng trắng; tay cầm phất trắng, mặc y phục trắng, đeo anh lạc trắng, dùng hương trắng thoa mình, tùy tùng đều mặc đồ trắng. Họ ra khỏi thành Xá-vệ, muốn vào rừng để truyền dạy đọc tụng. Mọi người trông thấy vậy đều bảo: ‘Xe đẹ thay, xe đẹp thay! Đó là xe của Bà-la-môn.’
Sau khi thấy Bà-la-môn, cùng với các quyến thuộc và mọi thứ, tất cả đều màu trắng như vậy rồi, Tôn giả vào thành khất thực. Sau đó trở về tinh xá cất y bát, rửa chân xong, Tôn giả đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân, rồi ngồi xuống một bên, bạch Phật rằng:
“Bạch Thế Tôn, sáng sớm nay, con đắp y mang bát vào thành Xa-vệ khất thực, thấy Bà-la-môn Sanh Văn đi xe ngựa trắng, cùng quyến thuộc và mọi thứ, tất cả đều màu trắng, được mọi người khen rằng: ‘Xe đẹ thay, xe đẹp thay! Đó là xe của Bà-la-môn.’ Thế nào, Thế Tôn, trong Chánh pháp luật, đó là xe của người đời, hay là xe của Bà-la-môn?”
Phật bảo A-nan:
“Đó là xe của người đời, chứ chẳng phải xe pháp luật của Ta, hay xe của Bà-la-môn. Này A-nan, xe Chnh pháp luật của Ta, xe của Trời, xe của Bà-la-môn, xe lớn, là có khả năng chinh phục quân ma phiền não. Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ! Ta sẽ nói cho ngươi nghe.
“Này A-nan, xe Chánh pháp luật là gì, xe cõi Trời, xe Bà-la-môn, cỗ xe lớn, có khả năng chinh phục quân ma phiền não? Đó là tám chi Chánh đạo: Chánh kiến… cho đến chánh định. [201a] A-nan, đó gọi là xe Chánh pháp luật, xe cõi Trời, xe bà-la-môn, cỗ xe lớn, có khả năng chinh phục quân phiền não.”
Bấy giờ đức Thế Tôn liền nói kệ rằng:
Tín, giới là cái ách,
Tàm quý là vòng cổ;
Chánh niệm khéo hộ trì,
Là người đánh xe giỏi.
Xả, tam-muội: càng xe,
Trí, tinh tấn: bánh xe;
Nhẫn, vô trước: giáp sắt,
An ổn, đi đúng pháp.
Tiến thẳng không thối lui,
Không có gì lo sợ;
Người trí ruổi chiến xa,
Dẹp kẻ thù vô trí.

KINH 746. THIẾN ÁC TRI THỨC[44]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Ở trong ngoại pháp, Ta [202a] không thấy một pháp nào khiến cho pháp ác bất thiện chưa sanh nó lại làm cho sanh; pháp ác bất thiện đã sanh rồi, nó khiến tái sanh và làm tăng trưởng, như nói về ác tri thức, ác bạn đảng, ác tùy tùng. Các Tỳ-kheo, ác tri thức, ác bạn đảng, ác tùy tùng khiến cho tà kiến chưa sanh, khiến cho sanh; tà kiến đã sanh rồi, khiến tái sanh và làm tăng trưởng. Cũng vậy, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà phương tiện, tà niệm, tà định chưa sanh khiến cho sanh; đã sanh rồi khiến tái sanh và làm tăng trưởng.
“Này các Tỳ-kheo, ở trong ngoại pháp, Ta không thấy một pháp nào khiến cho pháp ác bất thiện chưa sanh, nó làm cho không sanh; pháp ác bất thiện đã sanh rồi, nó khiến cho diệt, như nói về thiện tri thức, thiện bạn đảng, thiện tuỳ tùng. Các Tỳ-kheo, thiện tri thức, thiện bạn đảng, thiện tùy tùng khiến cho tà kiến chưa sanh, nó làm cho không sanh; tà kiến đã sanh rồi, nó khiến diệt. Cũng vậy, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà phương tiện, tà niệm, tà định chưa sanh, không cho sanh; đã sanh rồi, khiến diệt.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành..


KINH 750. PHI PHÁP THỊ PHÁP[48]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có pháp sai và pháp đúng[49]. Hảy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ngươi mà nói. Những gì là pháp sai, là pháp đúng? Tà kiến là pháp sai; chánh kiến là pháp đúng… cho đến tà định là pháp sai; chánh định là pháp đúng.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Như Phi pháp và Thị pháp. Cũng vậy, Phi luật và Chánh luật, Phi Thánh và Thị Thánh, Bất thiện pháp và Thiện pháp, Phi tập pháp và Tập pháp, Phi thiện tai pháp và Thiện tai pháp, Hắc pháp và Bạch pháp, Phi nghĩa và Chánh nghĩa, Ty pháp và Thắng pháp, Hữu tội pháp và Vô tội pháp, Ưng khử pháp và Bất khử pháp, kinh nào cũng đều nói như trên.

KINH 753. QUẢNG THUYẾT BÁT THÁNH ĐẠO[58]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
Như đã nói ở trên, nhưng có một vài sai biệt:
“Thế nào là chánh kiến? Chánh kiến có hai: có chánh kiến thuộc về thế tục, hữu lậu, hữu thủ,[59] chuyển hướng cõi thiện. [60] Có chánh kiến thuộc về xuất thế gian của bậc Thánh, vô lậu, không thủ, hết khổ chân thật, hướng đến thoát khổ.[61]
“Thế nào là chánh kiến hữu lậu, hữu thủ, chuyển hướng cõi thiện? Thấy rằng: Có bố thí, có chú thuyết… cho đến biết thế gian có A-la-hán, không tái sanh đời sau.[62] Đó gọi là chánh kiến thế tục thuộc về thế gian, hữu lậu, hữu thủ, chuyển hướng cõi thiện.
“Thế nào là chánh kiến thuộc về xuất thế gian của bậc Thánh, vô lậu, không thủ, hết khổ chân thật, hướng đến thoát khổ? Thánh đệ tử nơi khổ tư duy khổ; nơi tập, diệt, đạo tư duy đạo, tương ưng với tư duy vô lậu, ở nơi pháp mà tuyển trch, phân biệt, suy cầu, giác tri, hiệt huệ, [203b] quán sát tỏ ngộ. Đó gọi là chánh kiến thuộc về xuất thế gian của bậc Thánh, vô lậu, không thủ, chân chánh đoạn tận khổ, chuyển hướng đến thoát khổ.
“Thế nào là chánh tư duy? Chánh tư duy có hai loại: có chánh tư duy thuộc về thế tục, hữu lậu, hữu thủ, chuyển hướng cõi thiện. Có chánh tư duy thuộc về xuất thế gian của bậc Thánh, vô lậu, không thủ, chân chánh đoạn tận khổ, chuyển hướng đến thoát khổ.
“Thế nào là chánh tư duy thuộc về thế tục, hữu lậu, hữu thủ, chuyển hướng cõi thiện.? Chánh tư duy với tư duy xuất yếu, tư duy vô nhuế, tư duy bất hại; đó gọi là chánh tư duy thuộc về thế tục, hữu lậu, hữu thủ, chuyển hướng cõi thiện.
“Thế nào là chánh tư duy thuộc về xuất thế gian của bậc Thánh, vô lậu, không thủ, chân chánh đoạn tận khổ, chuyển hướng đến thoát khổ? Thánh đệ tử nơi khổ tư duy khổ; nơi tập, diệt, đạo tư duy đạo, tâm pháp tương ưng với tư duy vô lậu, phân biệt, tự quyết, ý giải, suy tính, lập y. Đó gọi là chánh tư duy thuộc về xuất thế gian của bậc Thánh, vô lậu, không thủ, chân chánh đoạn tận khổ, chuyển hướng đến thoát khổ.
“Thế nào là chánh ngữ? Chánh ngữ có hai loại: Có chánh ngữ thuộc về thế tục, hữu lậu, hữu thủ, chuyển hướng cõi thiện. Có chánh ngữ thuộc về xuất thế gian của bậc Thánh, vô lậu, không thủ, chân chánh đoạn tận khổ, chuyển hướng đến thoát khổ.
“Thế nào là chánh ngữ thuộc về thế tục, hữu lậu, hữu thủ, hướng đến đường lành? Lời nói đúng, xa lìa lời nói dối, hai lưỡi, ác khẩu, lời nói phù phiếm. Đó gọi là chánh ngữ thuộc về thế tục, hữu lậu, hữu thủ, hướng đến đường lành.
“Thế nào là chánh ngữ thuộc về xuất thế gian của bậc Thánh, vô lậu, không thủ, chân chánh đoạn tận khổ, chuyển hướng đến thoát khổ? Thánh đệ tử nơi khổ tư duy khổ; nơi tập, diệt, đạo tư duy đạo, trừ tà mạng, niệm tưởng xa lìa bốn ác hành của miệng và các ác hành khác của miệng, xa lìa các ác hành ấy; vô lậu, viễn ly, không dính trước, giữ chặt, nhiếp trì không phạm; không vượt qua thời tiết, không vượt qua giới hạn. Đó gọi là chánh ngữ thuộc về xuất thế gian của bậc Thánh, vô lậu, không thủ, chân chánh đoạn tận khổ, chuyển hướng đến thoát khổ.
“Thế nào là chánh nghiệp? Chánh nghiệp có hai loại: Có chánh nghiệp thuộc về thế tục, hữu lậu, hữu thủ, chuyển hướng cõi thiện. Có chánh nghiệp thuộc về xuất thế gian của bậc Thánh, vô lậu, không thủ, chân chánh đoạn tận khổ, chuyển hướng đến thoát khổ.
“Thế nào là chánh nghiệp thuộc về thế tục, hữu lậu, hữu thủ, chuyển hướng cõi thiện? Xa lìa sát, đạo, dâm. Đó gọi là chánh nghiệp thuộc về thế tục, hữu lậu, hữu thủ, chuyển hướng cõi thiện.
“Thế nào là chánh nghiệp thuộc về xuất thế gian của bậc Thánh, vô lậu, không thủ, chân chánh đoạn tận khổ, chuyển hướng đến thoát khổ? Thánh đệ tử nơi khổ tư duy khổ; nơi tập, diệt, đạo tư duy đạo, trừ tà mạng, nhớ đến ba ác hành nơi thân, và các thứ ác hành khác nơi thân; vô [203c] lậu, viễn ly, không dính trước, giữ chặt, nhiếp trì không phạm; không vượt qua thời tiết, không vượt qua giới hạn Đó gọi là chánh nghiệp thuộc về xuất thế gian, vô lậu, không thủ, chân chánh đoạn tận khổ, chuyển hướng đến thoát khổ.
“Thế nào là chánh mạng? Chánh mạng có hai loại: Có chánh mạng thuộc thế tục, hữu lậu, hữu thủ, chuyển hướng cõi thiện.Có chánh mạng thuộc xuất thế gian của bậc Thánh, vô lậu, bất thủ, hết khổ chân thật, hướng đến thoát khổ.
“Thế nào là chánh mạng thuộc về thế tục, hữu lậu, hữu thủ, chuyển hướng cõi thiện? Tìm cầu y, thực, ngọa cụ, thuốc thang theo bệnh đúng như pháp, chứ chẳng phải không như pháp. Đó gọi là chánh mạng thuộc về thế tục, hữu lậu, hữu thủ, chuyển hướng cõi thiện.
“Thế nào là chánh mạng thuộc về xuất thế gian của bậc Thánh, vô lậu, không thủ, chân chánh đoạn tận khổ, chuyển hướng đến thoát khổ? Thánh đệ tử nơi khổ tư duy khổ; nơi tập, diệt, đạo tư duy đạo; đối với các tà mạng, vô lậu không thích đắm trước cố thủ, giữ gìn không phạm, không vượt qua thời tiết, không vượt qua giới hạn. Đó gọi là Chánh mạng thuộc về xuất thế gian của bậc Thánh, vô lậu, không thủ, chân chánh đoạn tận khổ, chuyển hướng đến thoát khổ.
“Thế nào là chánh tinh tấn? Chánh tinh tấn có hai loại: Có chánh tinh tấn thuộc thế tục, hữu lậu, hữu thủ, chuyển hướng cõi thiện. Có chánh tinh tấn thuộc xuất thế gian của bậc Thánh, vô lậu, không thủ, chân chánh đoạn tận khổ, chuyển hướng đến thoát khổ.
“Thế nào là chánh tinh tấn thuộc về thế tục, hữu lậu, hữu thủ, chuyển hướng cõi thiện? Dục, tinh tấn, phương tiện siêu xuất, xác lập vững chắc, có khả năng tạo tác tinh tấn; nhiếp thọ tâm pháp, luôn luôn không dừng nghỉ. Đó gọi là chánh tinh tấn thuộc về thế tục, hữu lậu, hữu thủ, chuyển hướng cõi thiện.
“Thế nào là chánh tinh tấn thuộc về xuất thế gian của bậc Thánh, vô lậu, không thủ, chân chánh đoạn tận khổ, chuyển hướng đến thoát khổ? Thánh đệ tử nơi khổ tư duy khổ; nơi tập, diệt, đạo tư duy đạo; tâm pháp tương ưng với ức niệm vô lậu, dục, tinh tấn, phương tiện siêu xuất, xác lập vững chắc, có khả năng tạo tác tinh tấn; nhiếp thọ tâm pháp, luôn luôn không dừng nghỉ. Đó gọi là chánh tinh tấn thuộc về xuất thế gian của bậc Thánh, vô lậu, không thủ, chân chánh đoạn tận khổ, chuyển hướng đến thoát khổ.
“Thế nào là Chánh niệm? Chánh niệm có hai loại: Có chánh niệm thuộc thế tục, hữu lậu, hữu thủ, chuyển hướng cõi thiện. Có chánh niệm thuộc xuất thế gian của bậc Thánh, vô lậu, không thủ, chân chánh đoạn tận khổ, chuyển hướng đến thoát khổ.
“Thế nào là chánh niệm thuộc về thế tục, hữu lậu, hữu thủ, hướng đến đường lành? Hoặc niệm, hoặc tùy niệm, hoặc trùng niệm, hoặc ức niệm, không quên lãng, không hư. Đó gọi là chánh niệm thuộc về thế tục, hữu lậu, hữu thủ, hướng đến [204a] đường lành.
“Thế nào là chánh niệm thuộc về xuất thế gian của bậc Thánh, vô lậu, không thủ, chân chánh đoạn tận khổ, chuyển hướng đến thoát khổ? Thánh đệ tử nơi khổ tư duy khổ; nơi tập, diệt, đạo tư duy đạo; tâm pháp tương ưng với tư duy vô lậu, hoặc niệm, hoặc tùy niệm, hoặc trùng niệm, hoặc ức niệm, không quên lãng, không hư. Đó gọi là chánh niệm thuộc về xuất thế gian của bậc Thánh, vô lậu, không thủ, chân chánh đoạn tận khổ, chuyển hướng đến thoát khổ.
“Thế nào là chánh định? Chánh định có hai: Có chánh định thuộc thế tục, hữu lậu, hữu thủ, chuyển hướng cõi thiện. Có chánh định thuộc xuất thế gian của bậc Thánh, vô lậu, không thủ, chân chánh đoạn tận khổ, chuyển hướng đến thoát khổ.
“Thế nào là chánh định thuộc về thế tục, hữu lậu, hữu thủ, hướng đến đường lành? Tâm trụ không loạn, không động, nhiếp thọ, tĩnh chỉ, chánh định, nhất tâm. Đó gọi là chánh định thuộc về thế tục, hữu lậu, hữu thủ, hướng đến đường lành.
“Thế nào là chánh định thuộc về xuất thế gian của bậc Thánh, vô lậu, không thủ, chân chánh đoạn tận khổ, chuyển hướng đến thoát khổ? Thánh đệ tử nơi khổ tư duy khổ; nơi tập, diệt, đạo tư duy đạo; tâm pháp tương ưng với tư duy vô lậu, an trụ không loạn không tan, nhiếp thọ, tĩnh chỉ, chánh đinhj, nhất tâm. Đó gọi là chánh định thuộc về xuất thế gian của bậc Thánh, vô lậu, không thủ, chân chánh đoạn tận khổ, chuyển hướng đến thoát khổ.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.


KINH 757. SANH VĂN[69]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Bà-la-môn Sanh Văn đi đến chỗ đức Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật. Sau khi cùng Thế Tôn thăm hỏi ân cần xong, ông ngồi xuúong một bên, bạch Phật rằng:
“Thưa Cù-đàm, gọi là chánh kiến; thế nào là chánh kiến?”
Phật bảo Bà-la-môn:
“Chánh kiến có hai: có chánh kiến thuộc về thế tục, hữu lậu, hữu thủ, hướng đến đường lành. Có loại chánh kiến thuộc về xuất thế gian của bậc Thánh, vô lậu, bất thủ, hết khổ chân thật, hướng đến thoát khổ.
“Thế nào là chánh kiến hữu lậu, hữu thủ, chuyển hướng cõi thiện?  Người nào thấy có bố thí, có chú thuyết… cho đến biết thế gian có A-la-hán, không tái sanh đời sau.[70] Này Bà-la-môn, đó gọi là chánh kiến thế tục thuộc về thế gian, hữu lậu, hữu thủ, chuyển hướng cõi thiện.
“Bà-la-môn, thế nào là chánh kiến thuộc về xuất thế gian của bậc Thánh, vô lậu, không thủ, hết khổ chân thật, hướng đến thoát khổ? Thánh đệ tử nơi khổ tư duy khổ; nơi tập, diệt, đạo tư duy đạo, tương ưng với tư duy vô lậu, ở nơi pháp mà tuyển trạch, phân biệt, suy cầu, giác tri, hiệt huệ, quán sát tỏ ngộ. Đó gọi là chánh kiến thuộc về xuất thế gian của bậc Thánh, vô lậu, không thủ, chân chánh đoạn tận khổ, chuyển hướng đến thoát khổ.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, Bà-la-môn Sanh Văn nghe những gì Phật đã dạy, hoan hỷ tùy hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.
[205a] Như Chánh kiến. Cũng vậy, Chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định, kinh nào cũng nói như trên.


KINH 765 SA-MÔN PHÁP SA-MÔN QUẢ [79]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có pháp Sa-môn[80] và quả Sa-môn.[81] Hãy lắng nghe và suy nghĩ cho kỹ, Ta sẽ vì các ngươi mà nói:
“Những gì là pháp Sa-môn? Đó là [205c] tám chi Thánh đạo, từ chánh kiến… cho đến chánh định. Những gì là quả Sa-môn? Đó là quả Tu-đa-hoàn, quả Tư-đà-hàm, quả A-na-hàm và, quả A-la-hán.
“Thế nào là quả Tu-đà-hoàn? Đoạn trừ ba kết. Thế nào là quả Tư-đà-hàm? Đoạn trừ ba kết; tham, nhuế, si còn mỏng. Thế nào là quả A-na-hàm? Đoạn sạch hết năm hạ phần kết. Thế nào là quả A-la-hán? Đoạn trừ vĩnh viễn tham, nhuế, si; đoạn trừ vĩnh viễn tất cả các thứ phiền não.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành. 

KINH 790. NIẾT-BÀN[15]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nếu Tỳ-kheo an trụ giới đầy đủ, khéo nhiếp trì Ba-la-đề-mộc-xoa, đầy đủ oai nghi hành xứ, thấy những tội vi tế hay sanh lòng sợ hãi. Tỳ-kheo khi đã an trụ giới đầy đủ, khéo nhiếp trì Ba-la-đề-mộc-xoa, đầy đủ oai nghi hành xứ, thấy những tội vi tế hay sanh lòng sợ hãi, bình đẳng thọ trì học giới, khiến cho sự tu tập ba học đầy đủ. Những gì là ba? Đó là tăng thượng giới học, tăng thượng tâm học, tăng thượng tuệ học.
“Thế nào là tăng thượng giới học? Tỳ-kheo giới đầy đủ,[16] nhưng định ít, tuệ ít; đối với mỗi một phần giới vi tế… cho đến nên gìn giữ giới học. Tỳ-kheo biết như vậy, thấy như vậy, đoạn trừ được ba kết, đó là thân kiến, giới thủ, và nghi; khi đã đoạn trừ ba kết này, đắc Tu-đà-hoàn, không còn đọa vào đường dữ, nhất định hướng đến Vô thượng Chánh giác, chỉ còn bảy lần qua lại trời người, cứu cánh thoát khổ.
“Thế nào là tăng thượng tâm học? Tỳ-kheo định đã đầy đủ, tam-muội đã đầy đủ, nhưng tuệ ít; đối với mỗi một phần giới vi tế, nếu phạm thì theo đó mà sám hối… cho đến nên gìn giữ học giới. Tỳ-kheo biết như vậy, thấy như vậy, đoạn trừ năm hạ phần kết, đó là thân kiến, giới thủ, nghi, tham dục, sân nhuế; khi đã đoạn trừ năm hạ phần kết này, được sanh bát-niết-bàn, A-na-hàm, không còn tái sanh vào đời này. Đó gọi là tăng thượng tâm học.
“Thế nào là tăng thượng tuệ học? Tỳ-kheo học giới đã đầy đủ, định đã đầy đủ, tuệ đã đầy đủ. [211b] Tỳ-kheo biết như vậy, thấy như vậy, tâm giải thoát dục hữu lậu, tâm giải thoát hữu hữu lậu, tâm  giải thoát tvô minh hữu lậu, giải thoát tri kiến, tự biwts rằng ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong, không còn tái sinh đời sau nữa.’ Đó gọi là tăng thượng tuệ học.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.


KINH 800. HỌC[42]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có ba học. Những gì là ba? đó là tăng thượng giới học, tăng thượng tâm học, tăng thượng tuệ học.
“Thế nào là tăng thượng giới học? Tỳ-kheo an trụ giới Ba-la-đề-mộc-xoa, đầy đủ oai nghi hành xử, thấy tội vi tế sinh lòng sợ hãi, thọ trì học giới. Đó gọi là tăng thượng giới học. 
“Thế nào là tăng thượng tâm học? Tỳ-kheo ly dục, ly pháp ác bất thiện, có tầm có tứ, hỷ lạc do viễn ly sanh, chúng và an trụ sơ thiền,... cho đến chứng và an trú đệ tứ thiền. Đó gọi là tăng thượng tâm học.
“Thế nào là tăng thượng tuệ học? Tỳ-kheo nào biết như thật Khổ Thánh đế này, biết như thật khổ Tập Thánh đế này, khổ Diệt Thánh đế này, khổ diệt Đạo tích Thánh đế này; đó gọi là tăng thượng tuệ học.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
“Các kinh khác nói về Ba học, như đã nói Niệm xứ ở trước.
Như Thiền, Vô lượng, Vô sắc cũng vậy. Như Bốn Thánh đế, cũng vậy Bốn niệm xứ, Bốn chánh đoạn, Bốn như ý túc, Năm căn, Năm lực, Bảy giác chi, Tám Thánh đạo, Bốn đạo, Bốn pháp cú, và tu tập Chỉ quán cũng nói như vậy. 

KINH 870. VÔ HỌC TAM MINH[60]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ đức Thế tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Bậc Vô học có ba minh. Những gì là ba? Trí túc mạng chứng thông của bậc Vô học, trí sinh tử chứng thông của bậc Vô học, trí lậu tận chứng thông của bậc Vô học.”
Sau đó Thế Tôn liền nói kệ rằng:
Quán sát biết đời trước,
Thấy trời sinh đường dữ.
Các lậu sanh tử hết,
Là Minh của Mâu-ni.
Tâm ấy được giải thoát
Tất cả những tham ái;
Ba nơi đều thông suốt,
Nên gọi là ba minh.
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, đều hoan hỷ phụng hành. 

KINH 871. VÔ HỌC TAM MINH[61]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ đức Thế tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Bậc Vô học có ba minh. Những gì là ba? Túc mạng trí chứng thông của bậc Vô học, sinh tử trí chứng thông của bậc Vô học, lậu tận trí chứng thông của bậc Vô học.
“Thế nào là túc mạng chứng trí thông của bậc Vô học? Thánh đệ tử biết tất cả mọi sự từ các đời trước. Từ một đời đến trăm, nghìn, vạn, ức đời; cho đến số kiếp thành hoại; rằng, ‘Các dời sống trước của ta và chúng sanh, có những tên như vậy, sinh ra như vậy, dòng họ như vậy, ăn như vậy, cảm thọ khổ lạc như vậy, tuổi thọ dài như vậy, sống lâu như vậy, giới hạn tuổi thọ như vậy. Ta và chúng sanh chết ở chỗ này, sinh ra chỗ khác; chết chỗ khác sinh ra chổ này, có hành như vậy, nhân như vậy, tín như vậy.’ Tất cả mọi việc đã trải qua trong đời sống trước đều biết rõ ràng. Đó gọi là trí túc mạng chứng minh.
“Thế nào là sinh tử trí chứng minh? Thánh đệ tử, bằng thiên nhãn thanh tịnh vượt qua đối mắt người, thấy các chúng sanh lúc chết, lúc sinh, đẹp, xấu, thượng sắc, hạ sắc, theo nghiệp mà thọ sinh vào đường dữ. Biết như thật rằng như chúng sanh này thành tựu thân ác hành, thành tựu miệng, ý ác hành, hủy báng Thánh nhơn, tà kiến, nhận lãnh tà pháp; do nhân duyên này sau khi thân hoại mạng chung sinh vào trong đường dữ địa ngục. Chúng sanh này do thành tựu thân thiện hành, thành tựu miệng, ý thiện hành, không hủy báng Thánh nhơn, đã thành tựu chánh kiến, nên sau khi thân hoại mạng chung sinh vào trong đường trời người. [223c] Đó gọi là trí sinh tử chứng minh.
“Thế nào là lậu tận trí chứng minh? Thánh đệ tử biết như thật, ‘Đây là Khổ, ‘Đây là Khổ tập,’ ‘Đây là Khổ diệt,’ ‘Đây là Khổ diệt đạo.’ Vị ấy biết như vậy, thấy như vậy, tâm giải thoát dục lậu, tâm giải thoát hữu lậu, tâm giải thoát vô minh lậu, với giải thoát tri kiến, biết rằng, ‘Ta, sự sanh đã hết, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong, không còn tái sinh đời sau nữa.’ Đó gọi là lậu tận chứng trí minh.”
 Sau đó Thế Tôn liền nói kệ rằng:
Quán sát biết đời trước,
Thấy trời sinh đường dữ.
Các lậu sinh tử hết,
Là Minh của Mâu-ni.
Tâm ấy được giải thoát
Tất cả những tham ái;
Ba nơi đều thông suốt,
Nên gọi là ba minh.
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, đều hoan hỷ phụng hành. 

KINH 876. VÔ VI PHÁP[74]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ đức Thế tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Ta sẽ vì các ngươi nói về pháp vô vi [224b] cùng đạo tích vô vi,[75] hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ.
“Thế nào là pháp vô vi? Tham dục vĩnh viễn chấm dứt; sân nhuế, ngu si vĩnh viễn chấm dứt; tất cả mọi phiền não vĩnh viễn chấm dứt. Đó gọi là pháp vô vi.
“Thế nào là đạo tích vô vi? Tám chi Thánh đạo: Chánh kiến, chánh trí, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh niệm, chánh định. Đó gọi là đạo tích vô vi.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
Như Vô vi, cũng vậy nan kiến, bất động, bất khuất, bất tử, vô lậu, phú ấm, châu chữ, tế độ, y chỉ, ủng hộ, bất lưu chuyển, ly xí diệm, ly thiêu nhiên, lưu thông, thanh lương, vi diệu, an ổn, vô bệnh, vô sở hữu,, niết-bàn, cũng nói như vậy.


KINH 682. HỎA[44]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ có số đông các Tỳ-kheo. Như đã nói ở trên, nhưng có một vài sai biệt:
“Có các xuất gia ngoại đạo nói như vậy, nên hỏi lại rằng: ‘Nếu tâm yếu kém, còn do dự, bấy giờ nên tu những giác chi nào? Những gì tu không đúng lúc?[45] Nếu lại tâm trạo cử[46]; với tâm trạo cử, do dự ấy, bấy giờ nên tu những giác chi nào? Và những gì là không đúng lúc? Nếu hỏi như vậy, các ngoại đạo kia trong tâm sẽ giật mình, tán loạn, nói lãng sang những pháp khác; tâm sanh phẫn nhuế, kiêu mạn, hủy báng, hiềm hận không nhẫn thọ; hoặc im lặng, cúi đầu, không thể biện luận, âm thầm suy nghĩ. Vì sao? Ta không thấy người nào trong chúng chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, Trời, Người nghe những gì Ta nói mà hoan hỷ tùy thuận, chỉ trừ có Như Lai và chúng Thanh văn, hoặc nghe từ đây mà thôi.[47]
“Này các Tỳ-kheo, nếu lúc tâm yếu kém, tâm do dự, khi ấy không nên tu khinh an giác chi, định giác chi, xả giác chi. Vì sao? Khi tâm yếu kém phát sanh, vì yếu kém,  do dự, các pháp này càng làm tăng thêm yếu kém. Thí như một đóm lửa mà muốn cháy mạnh lên, lại bỏ than tro[48] vào. Thế nào, này Tỳ-kheo, chẳng phải vì thêm tro vào khiến cho lửa tắt [192a] chăng?”
Tỳ-kheo bạch Phật:
“Đúng vậy, bạch Thế tôn!”
“Cũng vậy, Tỳ-kheo, yếu đuối, do dự, nếu tu khinh an giác chi, định giác chi, xả giác chi, đây không phải thời, vì tăng thêm lười biếng thôi.
“Hoặc khi tâm trạo cử khởi lên; nếu tâm trạo cử, do dự, bấy giờ, không nên tu trạch pháp giác chi, tinh tấn giác chi, hỷ giác chi. Vì sao? Vì khi tâm trạo cử khởi lên, với tâm trạo cử, do dự,  các pháp này làm cho tăng thêm. Thí như lửa đang cháy, muốn dập tắt mà đem cỏ khô thêm vào. Ý các ngươi thế nào? Há không khiến cho lửa cháy bùng lên đó sao?”
Tỳ-kheo bạch Phật:
“Đúng vậy, bạch Thế tôn!”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Khi tâm trạo cử khởi lên; nếu tâm trạo cử, do dự, mà tu trạch pháp giác chi, tinh tấn giác chi, hỷ giác chi, làm tăng thêm trạo cử.
“Này các Tỳ-kheo, khi tâm yếu đuối sanh khởi, nếu tâm yếu đuối, do dự, lúc bấy giờ nên tu trạch pháp giác chi, tinh tấn giác chi, hỷ giác chi. Vì sao? Vì khi tâm yếu đuối sanh khởi; nếu tâm yếu đuối, do dự, bằng các pháp này mà được khai thị, chỉ giáo, khích lệ, làm cho hoan hỷ. Thí như một đóm lửa, muốn cho nó cháy lên, nên cho cỏ khô vào. Thế nào, Tỳ-kheo, lửa này có cháy hừng lên không?”
Tỳ-kheo bạch Phật:
“Đúng vậy, bạch Thế Tôn!”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Khi tâm yếu đuối sanh khởi như vậy; nếu tâm yếu đuối, do dự, lúc bấy giờ nên tu trạch pháp giác chi, tinh tấn giác chi, hỷ giác chi để được khai thị, chỉ giáo, khích lệ, làm cho hoan hỷ.
“Hoặc khi tâm trạo cử sanh khởi; nếu tâm trạo cử, do dự, nên tu khinh an giác chi, định giác chi, xả giác chi. Vì sao? Vì khi tâm trạo cử sanh khởi; nếu tâm trạo cử, do dự, bằng các pháp này mà có thể khiến cho an trư bên trong, nhất tâm nhiếp trì. Thí như lửa đang cháy, muốn cho nó tắt, chỉ cần cho than tro vào, lửa này sẽ tắt.
“Như vậy, này các Tỳ-kheo, nếu tâm trạo cử, do dự, mà tu trạch pháp giác chi, tinh tấn, hỷ giác chi thì không đúng thời. Nếu tu khinh an, định, xả giác chi thì tự nó mới đúng thời. Vì các pháp này khiến cho an trụ bên trong, nhất tâm, nhiếp trì. Niệm giác chi thì hổ trợ cho tất cả.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 683. THỰC[49]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có năm triền cái, bảy giác chi, có thức ăn, không thức ăn. Nay Ta sẽ nói. Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ngươi mà nói.
“Thí như  thân thể phải nhờ vào thức ăn mới tồn tại, chứ chẳng phải không nhờ thức ăn. Cũng vậy, năm triền cái nhờ vào thức ăn mới tồn tại, chứ chẳng phải không nhờ thức ăn.
“Tham dục triền cái lấy gì làm thức ăn? Đó là tướng xúc.[50] Đối với tướng ấy mà không tư duy đúng,[51] thì tham dục chưa khởi sẽ khiến khởi, tham dục đã khởi rồi [192b] thì có thể khiến cho tăng rộng. Đó gọi là thức ăn của dục ái triền cái.[52]
“Những gì là thức ăn của sân nhuế triền cái? Đó là tướng chướng ngại.[53] Đối với tướng ấy mà không tư duy đúng, sân nhuế cái chưa khởi sẽ khiến khởi; sân nhuế cái đã khởi rồi  thì có thể khiến cho tăng rộng. Đó gọi là thức ăn của sân nhuế triền cái.
“Những gì là thức ăn của thụy miên cái? Gồm có năm pháp. Những gì là năm? Đó là yếu đuối, chẳng vui, ngáp ợ, ăn nhiều, lười biếng. Đối với chúng không tư duy đúng, khi thụy miên cái chưa khởi thì khiến khởi; thụy miên cái đã khởi rồi, có thể khiến cho nó tăng rộng. Đó gọi là thức ăn của thụy miên cái.
“Những gì là thức ăn của trạo hối? Gồm có bốn pháp. Những gì là bốn? Đó là giác tưởng về thân thuộc, giác tưởng về mọi người, giác tưởng về chư thiên, giác tưởng về những khoái lạc vốn đã tự kinh qua.[54] Tự mình nhớ nghĩ hay dò người khác khiến nhớ nghĩ mà sanh giác tưởng. Đối với chúng khởi tư duy không chân chánh, khi trạo hối chưa khởi thì khiến khởi, trạo hối đã khởi rồi thì có thể khiến cho nó tăng rộng. Đó gọi là thức ăn của trạo hối.
“Những gì là thức ăn của nghi cái? Có ba đời. Những gì là ba? Đó là đời quá khứ, đời vị lai, đời hiện tại. Đối với đời quá khứ còn do dự, đời vị lai còn do dự, đời hiện tại còn do dự. Đối với chúng khởi tư duy không chân chánh, nghi cái chưa khởi sẽ khiến khởi; nghi cái đã khởi thì có thể khiến cho nó tăng rộng. Đó gọi là thức ăn của nghi cái.
“Thí như thân thể nhờ vào thức ăn mà được nuôi lớn, chứ chẳng phải không nhờ thức ăn. Cũng vậy, bảy giác chi cũng nhờ vào thức ăn mà tồn tại, nhờ vào thức ăn mà nuôi lớn, chứ chẳng phải không nhờ ăn.
“Cái gì là chẳng phải thức ăn của niệm giác chi? Chẳng tư duy về bốn niệm xứ, niệm giác chi chưa khởi sẽ chẳng thể làm cho khởi; niệm giác chi đã khởi rồi, khiến cho giảm sút. Đó gọi là chẳng phải thức ăn của niệm giác chi.
“Cái gì chẳng phải là thức ăn của trạch pháp giác chi? Tuyển trạch đối với pháp thiện, tuyển trạch đối với pháp bất thiện; không tư duy đối với chúng, trạch pháp giác chi chưa khởi sẽ không làm cho khởi; trạch pháp giác chi đã khởi sẽ khiến cho nó giảm sut đi. Đó gọi là chẳng phải thức ăn của trạch pháp giác chi.
“Những gì là chẳng phải là thức ăn của tinh tấn giác chi? Bốn chánh đoạn; đối với chúng không tư duy chân chánh, tinh tấn giác chi chưa khời sẽ không khởi; tinh tấn giác chi đã khởi sẽ khiến cho nó giảm đi. Đó gọi là không phải thức ăn của tinh tấn giác chi.
“Những gì là chẳng phải là thức ăn của hỷ giác chi? Có pháp hỷ, có pháp hỷ xứ; đối với chúng không tư duy, hỷ giác chi chưa khởi sẽ không cho khởi; hỷ giác chi đã khởi sẽ khiến cho nó giảm đi. Đó gọi là chẳng phải thức ăn của hỷ giác chi.
“Những gì là chẳng phải là thức ăn của khinh an giác chi? Có thân khinh an cùng tâm khinh an; đối với chúng không tư duy, khi khinh an giác chi chưa sanh sẽ không cho khởi, khinh an giác chi đã sanh sẽ khiến cho nó giảm đi. Đó gọi là chẳng phải thức ăn của khinh an [192c] giác chi.
“Những gì là chẳng phải là thức ăn của định giác chi? Có bốn thiền; đối với chúng không tư duy, định giác chi chưa khởi sẽ không cho khởi; định giác chi đã khởi sẽ khiến cho nó giảm đi. Đó gọi là chẳng phải thức ăn của định giác chi.
“Những gì là chẳng phải là thức ăn của xả giác chi là thế nào? Có ba giới, đó là đoạn giới, vô dục giới, diệt giới; đối với chúng không tư duy, xả giác chi chưa khởi sẽ không cho khởi; xả giác chi đã khởi sẽ khiến cho nó giảm đi. Đó gọi là chẳng phải thức ăn của xả giác chi.
“Những gì là chẳng phải là thức ăn của tham dục cái?  Quán bất tịnh, tư duy đối với nó, tham dục cái chưa khởi sẽ không khởi; tham dục cái đã sẽ khiến cho nó dứt. Đó gọi là chẳng phải thức ăn của tham dục cái.
“Những gì là chẳng phải thức ăn của sân nhuế cái? Tư duy về tâm từ kia,[55] sân nhuế cái chưa sanh sẽ không khởi; sân nhuế cái đã sanh sẽ khiến chi nó diệt đi. Đó gọi là chẳng phải thức ăn của sân nhuế cái.
“Những gì là chẳng phải thức ăn của thụy miên cái? Tư duy về sự chiếu sáng[56] kia, khi thụy miên chưa sanh, không cho khởi, thụy miên đã sanh rồi, khiến cho nó diệt đi. Đó gọi là chẳng phải thức ăn của thụy miên cái.
“Những gì là chẳng phải thức ăn của trạo hối cái? Tư duy đúng về sự tĩnh chỉ kia,  trạo hối cái chư sanh sẽ không khởi; trạo hối cái đã sanh sẽ khiền cho diệt đi. Đó gọi là chẳng phải thức ăn của trạo hối cái.
“Những gì là chẳng phải thức ăn của nghi cái? Tư duy về pháp duyên khởi, nghi cái chưa sanh sẽ không khởi; nghi cái đã sanh sẽ khiến cho diệt đi. Đó gọi là chẳng phải thức ăn của nghi cái.
“Thí như thân thể phải nhờ vào thức ăn mà sống, nhờ vào ăn mà tồn tại. Những gì là thức ăn của niệm giác chi? Tư duy bốn niệm xứ rồi, biệm giác chi chưa sanh sẽ khiến cho sanh khởi; niệm giác chi đã sanh càng sanh khởi khiến cho tăng rộng. Đó gọi là thức ăn của niệm giác chi.
“Những gì là thức ăn của trạch pháp giác chi? Có tuyển trạch pháp thiện, có tuyển trạch pháp bất thiện; khi tư duy về chúng, nếu trạch pháp giác chi chưa sanh, khiến cho nó sanh khởi; trạch pháp giác chi đã sanh rồi, càng sanh khởi khiến cho tăng rộng. Đó gọi là thức ăn của trạch pháp giác chi.
“Những gì là thức ăn của tinh tấn giác chi? Tư duy về bốn chánh đoạn, nếu tinh tấn giác chi chưa sanh, khiến cho nó sanh khởi; tinh tấn giác chi đã sanh rồi, cho tái sanh khiến nó tăng rộng. Đó gọi là thức ăn của tinh tấn giác chi.
“Những gì là thức ăn của hỷ giác chi? Có hỷ, có hỷ xứ, tư duy về chúng, nếu hỷ giác chi chưa sanh, khiến sanh khởi, hỷ giác chi đã sanh rồi, cho tái sanh khiến nó tăng rộng. Đó gọi là thức ăn của hỷ giác chi.
“Những gì là thức ăn của khinh an giác chi? Có thân khinh an, tâm khinh an; tư duy về chúng, nếu khinh an giác chi chưa sanh, khiến sanh khởi, khinh an giác chi đã sanh rồi, cho tái sanh khiến nó tăng [193a] rộng. Đó gọi là thức ăn của khinh an giác chi.
“Những gì là thức ăn của định giác chi? Tư duy về bốn thiền, định giác chi chưa sanh, khiến nó sanh khởi; định giác chi đã sanh rồi, cho tái sanh khiến nó tăng rộng. Đó gọi là thức ăn của định giác chi.
“Những gì là thức ăn của xả giác chi? Gồm có ba giới. Những gì là ba? Đó là đoạn giới, vô dục giới, diệt giới;  tư duy về chúng, xả giác chi chưa sanh thì khiến cho sanh khởi; xả giác chi đã sanh rồi, cho tái sanh khiến nó tăng rộng. Đó gọi là thức ăn của xả giác chi.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành. 


KINH 684. PHÁP[57]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Ở trong nội pháp, Ta không thấy có một pháp nào mà pháp ác bất thiện chưa sanh lại khiến cho nó sanh, pháp ác bất thiện đã sanh rồi, cho tái sanh khiến nó tăng rộng; hay pháp thiện chưa sanh, khiến cho nó không sanh, nó đã sanh rồi, khiến cho nó giảm đi. Đó là không tư duy chân chánh.
“Này các Tỳ-kheo, không tư duy chân chánh thì tham dục cái chưa sanh khiến cho sanh, đã sanh rồi, cho tái sanh khiến tăng rộng. Sân nhuế, thụy miên, trạo hối, nghi cái chưa sanh, khiến cho sanh, đã sanh rồi, cho tái sanh khiến nó tăng rộng. Niệm giác chi chưa sanh, không cho sanh, đã sanh rồi, khiến giảm đi.  Trạch pháp, tinh tấn, hỷ, kinh an, định, xả giác chi chưa sanh, khiến sanh, đã sanh rồi, cho tái sanh khiến cho tăng rộng.
“Ta không thấy một pháp nào có thể khiến cho pháp ác bất thiện chưa sanh thì không sanh, đã sanh rồi, khiến cho đoạn; pháp thiện chưa sanh, khiến sanh; đã sanh rồi, cho tái sanh khiến tăng rộng. Đó là tư duy chân chánh.
“Này Tỳ-kheo, tư duy chân chánh thì tham dục cái chưa sanh, sẽ khiến nó không sanh; đã sanh rồi, khiến cho nó dứt. Sân nhuế, thụy miên, trạo hối, nghi cái chưa sanh, khiến nó không sanh, đã sanh rồi, khiến nó dứt. Niệm giác chi chưa, khiến cho nó sanh, đã sanh rồi, cho tái sanh khiến cho tăng rộng. Trạch pháp, tinh tấn, hỷ, khinh an, định, xả giác chi chưa sanh, khiến chúng sanh, đã sanh rồi, cho tái sanh khiến chúng tăng rộng.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành. 

KINH 686. XÁ-LỢI-PHẤT[59]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất bảo các Tỳ-kheo:
“Có bảy giác chi. Những gì là bảy? Đó là niệm giác chi, trạch pháp giác chi, tinh tấn giác chi, hỷ giác chi, khinh an giác chi, định giác chi, xả giác chi. Bảy giác chi này quyết định mà được, không tinh cần mà được, Ta chứng nhập một giác chi nào tùy theo ý muốn.[60] Hoặc buổi sáng, giữa trưa, hay buổi chiều mà nếu muốn chưng nhập, nhiều lần chứng nhập tùy theo sở dục. Thí như vua, đại thần, có đủ thứ y phục để ở trong rương tráp, tùy theo nhu cầu cần dùng của mình mà vào lúc trưa hay chiều, theo ý dùng tự do. Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, bảy giác chi này, do quyết định mà được, không tinh cần mà được, tùy ý chứng nhập. Ta, đối với niệm giác chi này, là thuần trắng thanh tịnh, lúc khởi biết khởi, lúc diệt biết diệt, lúc biến mất biết biến mất; đã khởi biết đã khởi, đã diệt biết đã diệt. Cũng vậy, đối với trạch pháp, tinh tấn, hỷ, khinh an, định, xả giác chi, cũng nói như vậy.”
Sau khi Tôn giả Xá-lợi-phất nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Tôn giả đã nói, đều hoan hỷ phụng hành. 


KINH 694. THIỆN TRI THỨC[73]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tinh xá Giáp cốc[74] thành Vương Xá. Bấy giờ Tôn giả A-nan cũng ở tại đó.
Khi Tôn giả ở một mình nơi vắng, thiền tịnh tư duy, suy nghĩ như vầy: ‘Một nữa phạm hạnh chính là thiện trí thức, thiện bạn đảng, thiện tùy tùng, chẳng phải là ác trí thức, ác bạn đảng, ác tùy tùng.’
Rồi Tôn giả từ thiền tịnh tỉnh giấc, đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, rồi ngồi xuống một bên, bạch Phật rằng:
“Bạch Thế tôn, con ở một mình nơi vắng, thiền định tư duy và nghĩ như vầy: ‘Một nửa phạm hạnh chính là thiện trí thức, thiện bạn đảng, thiện tùy tùng, chẳng phải là ác trí thức, ác bạn đảng, ác tùy tùng.’”
Phật bảo A-nan:
“Chớ nghĩ như vầy: ‘Một nửa phạm hạnh chính là thiện trí thức, thiện bạn đảng, thiện tùy tùng, chẳng phải là ác trí thức, ác bạn đảng, ác tùy tùng.’ Vì sao? Thuần nhất mãn tịnh, phạm hạnh thanh bạch, chính là thiện tri thức, thiện bạn đảng, thiện tùy tùng, chẳng phải là ác trí thức, ác bạn đảng, ác tùy tùng. [75] Vì Ta là thiện trí thức nên có chúng sanh ở nơi Ta mà tiếp nhận niệm giác chi, y viễn ly, y vô dục, y tịch diệt, hướng đến xả. Cũng vậy, trạch giác chi, tinh tấn giác chi, hỷ, khinh an, định, và xả giác chi, y viễn ly, y vô dục, y tịch diệt, hướng đến xả. Vì vậy cho nên, A-nan, thuần nhất mãn tịnh, phạm hạnh thanh bạch, chính là thiện tri thức, thiện bạn đảng, thiện tùy tùng, chẳng phải là ác trí thức, ác bạn đảng, ác tùy tùng..”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành. 

KINH 695. CÂU-DI-NA[76]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại tụ lạc Lực sĩ,  du hành trong nhân gian,[195c] đến trú ở bên cạnh tụ lạc khoảng giữa thành Câu-di-na-kiệt, và sông Hi-liên. Bấy giờ Thế tôn bảo Tôn giả A-nan:
“Nay Ta bị đau lưng, muốn nằm nghỉ một chút. Hãy gấp uất-đa-la-tăng bốn lớp cho Thế tôn.”
Tôn giả A-nan liền vâng lời dạy, gấp bốn lớp uất-đa-la-tăng trải ra xong, bạch Phật rằng:
“Bạch Thế tôn con đã gấp bốn lớp uất-đa-la-tăng trải ra xong rồi, xin Thế tôn biết cho.”
Bấy giờ, Thế tôn gối đầu lên tăng-già-lê gấp dày, nằm nghiêng hông bên phải, hai chân xếp chồng nhau, cột niệm vào tướng sáng, chánh niệm chánh trí, với giác tưởng muốn chỗi dậy, bảo Tôn giả A-nan:
“Ngươi hãy nói về bảy giác chi.”
Tôn giả A-nan liền bạch Phật:
“Bạch Thế tôn, đó là niệm giác chi, Thế tôn nói tự giác ngộ, thành Đẳng chánh giác, y viễn ly, y vô dục, y diệt, hướng đến xả.’ Trạch pháp, tinh tấn, hỷ, khinh an, định, xả giác chi, Thế tôn nói tự thành Đẳng chánh giác, y viễn ly, y dục, y diệt, hướng đến xả.’”
Phật bảo A-nan:
“Ngươi nói Ttinh tấn chăng?”
A-nan bạch Phật:
“Bạch Thế tôn, con nói tinh tấn. Bạch Thiện thệ, con nói tinh tấn.”
Phật bảo A-nan:
“Chỉ tu tập tinh tấn, tu tập nhiều, sẽ được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Nói xong, Ngài ngồi ngay thẳng, cột niệm. Lúc ấy có một Tỳ-kheo nói kệ rằng:
Thích nghe pháp vi diệu,
Nhịn đau, bảo người thuyết.
Tỳ-kheo liền nói pháp,
Nói về bảy giác chi.
Lành thay, Ngài A-nan!
Hiểu rõ, khéo diễn thuyết;
Pháp thanh thịnh thù thắng,
Thuyết vi diệu, ly cấu.
Niệm, trạch pháp, tinh tấn,
Hỷ, khinh an, định, xả;
Đó là bảy giác chi,
Khéo nói, pháp vi diệu.
Nghe nói bảy giác chi,
Vị chánh giác thấm sâu.
Thân nhận thọ đau khổ,
Gắng chịu ngồi lắng nghe.
Hãy nhìn đấng Vua Pháp,
Thường diễn thuyết cho người;
Mà còn thích nghe thuyết;
Huống chi người chưa nghe.
Trí tuệ lớn bậc nhất,
Mười lực, bậc đáng lễ;
Ngài cũng lại vội vàng,
Đến nghe thuyết chánh pháp.
Người hiểu biết thông đạt,
Khế kinh, A-tỳ-đàm; 
[196a]Người thông suốt pháp luật,
Còn nghe huống người khác.
Nghe thuyết pháp như thật,
Chuyên tâm tĩnh giác nghe;
Những pháp Phật đã dạy,
Được ly dục, vui sướng.
Vui sướng, thân nhẹ nhàng,
Tâm tự vui cũng vậy;
Tâm vui được chứng nhập,
Chánh quán trong việc làm.
Chán hữu, ba đường dữ,
Ly dục tâm giải thoát;
Chán các hữu, đường dữ,
Không tạo nhân trời, người.
Vô dư, như đèn tắt,
Cứu cánh bát-niết-bàn.
Nghe pháp nhiều phước lợi,
Những lời dạy tối thắng;
Cho nên luôn tư duy,
Nghe lời Đại Sư dạy.
Tỳ-kheo này nói kệ xong, từ chỗ ngồi đứng dậy mà đi.


KINH 701. THẤT ĐẠO PHẨM[83]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ có Tỳ-kheo đến chỗ đức Phật cúi đầu đảnh lễ sát chân, rồi ngồi xuống một bên, bạch Phật rằng:
“Bạch Thế Tôn, gọi là giác chi. Bạch Thế Tôn, thế nào là giác chi?”
Phật  bảo Tỳ-kheo:
“Giác chi là bảy pháp đạo phẩm.[84] Nhưng này các Tỳ-kheo, bảy giác chi phải theo thứ tự mà khởi, được tu tập viên mãn.”
Tỳ-kheo bạch Phật:
“Bạch Thế tôn, thế nào là giác chi theo thứ tự mà khởi, tu tập viên mãn?”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Tỳ-kheo sống quán thân trên nội thân. Vị kia khi sống quán nội thân trên thân, nhiếp tâm cột niệm không quên, lúc bấy giờ phương tiện tu tập niệm giác chi. Sau khi phương tiện tu tập niệm giác chi, tu tập mãn túc. Khi niệm giác chi đã được mãn túc, đối với pháp mà tuyển trạch, phân biệt, tư lường, lúc bấy giờ phương tiện tu tập trạch pháp giác chi. Sau khi đã phương tiện tu tập, tu tập mãn túc. Như vậy cho đến tu tập mãn túc xả giác chi.”
Như sống quán niệm nội thân trên thân, sống quán niệm ngoại thân, nội ngoại thân, thọ, tâm, pháp cũng vậy, lúc bầy giờ, chuyên tâm, cột niệm, không quên,… cho đến xả giác chi cũng nói như vậy.
“An trú như vậy, giác chi khởi theo thứ tự; khi đã khởi theo thứ tự rồi, tu tập mãn túc.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành. 

KINH 703. QUẢ BÁO (2)[86]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Như đã nói ở trên, nhưng có một vài sai biệt:
“Tỳ-kheo sau khi tu tập bảy giác chi như vậy, tu tập nhiều, đạt đuợc bốn quả, bốn phước lợi. Những gì là bốn? Quả Tu-đà-hoàn, quả Tư-đà-hàm, quả A-na-hàm, và quả A-la-hán.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành. 






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét