Thứ Bảy, 13 tháng 10, 2012

Tạp A Hạm 5,6,7,8



KINH 104. DIỆM-MA-CA[6]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Tỳ-kheo tên là Diệm-ma-ca khởi tà kiến ác nói rằng: ‘Theo chỗ hiểu của tôi về những pháp mà Phật đã thuyết giảng, thì vị A-la-hán lậu tận, sau khi thân hoại mạng chung sẽ không còn gì nữa.’
Lúc ấy, có số đông Tỳ-kheo nghe những lời này, liền đến đó nói với Tỳ-kheo Diệm-ma-ca rằng:
“Có thật thầy đã nói: ‘Theo chỗ hiểu của tôi về những pháp mà Phật đã thuyết giảng, thì vị A-la-hán lậu tận, sau khi thân hoại mạng chung sẽ không còn gì nữa’?”
Đáp rằng:
“Thưa các Tôn giả, thật sự như vậy.”
Các Tỳ-kheo nói với Diệm-ma-ca:
“Chớ nên hủy báng Thế Tôn. Hủy báng Thế Tôn là không tốt. Thế Tôn không hề nói những lời này. Thầy nên từ bỏ tà kiến ác này đi.”
Khi các Tỳ-kheo đã nói những lời này rồi, mà Tỳ-kheo Diệm-ma-ca vẫn còn ôm chặt tà kiến ác này, lại nói như vầy:
“Thưa các Tôn giả, chỉ có đây mới là sự thật, nếu khác đi thì là giả dối.”
Thầy nói ba lần như vậy.
Khi các Tỳ-kheo không thể điều phục được Tỳ-kheo Diệm-ma-ca, liền bỏ ra đi, đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất, thưa Tôn giả Xá-lợi-phất rằng:
“Tôn giả biết cho, Tỳ-kheo Diệm-ma-ca kia đã khởi lên tà kiến ác nói như vầy: ‘Theo chỗ hiểu của tôi về những pháp mà Phật đã thuyết giảng, thì vị A-la-hán lậu tận, sau khi thân hoại mạng chung sẽ không còn gì nữa.’ Chúng tôi đã nghe những lời nói này, nên đến hỏi Tỳ-kheo Diệm-ma-ca, có thật thầy đã nói: ‘Theo chỗ hiểu của tôi về những pháp mà Phật đã thuyết giảng, thì vị A-la-hán lậu tận, sau khi thân hoại mạng chung sẽ không còn gì nữa?’ Thầy ấy đáp, ‘Thưa các Tôn giả, thật sự là như vậy, nếu khác đi thì là kẻ ngu nói.’ Chúng tôi liền bảo rằng: ‘Chớ nên hủy báng Thế Tôn. Hủy báng Thế Tôn là không tốt. Thế Tôn không hề nói những lời này. Thầy nên từ bỏ tà kiến ác này đi.’ Qua ba lần can gián, thầy vẫn ôm chặt tà kiến ác mà không bỏ, nên nay chúng tôi đến chỗ Tôn giả, xin Tôn giả thương xót Tỳ-kheo Diệm-ma-ca, hãy làm cho thầy dứt bỏ tà kiến ác.”
Tôn giả Xá-lợi-phất nói:
“Vâng, tôi sẽ làm cho thầy này dứt bỏ tà kiến ác.”
Sau khi nghe những lời Tôn giả Xá-lợi-phất nói rồi, số đông Tỳ-kheo tùy hỷ vui mừng, trở về chỗ ở của mình.
Bấy giờ, lúc sáng sớm, Tôn giả Xá-lợi-phất đắp y mang bát vào thành Xá-vệ khất thực. Ăn xong, ra khỏi thành trở về tinh xá, cất y bát, rồi đến chỗ Tỳ-kheo Diệm-ma-ca.
Tỳ-kheo Diệm-ma-ca từ xa trông thấy Tôn giả Xá-lợi-phất đến, liền trải tòa, chuẩn bị nước rửa chân, sắp đặt ghế ngồi, ân cần nghinh tiếp, mang giúp y bát, rồi mời ngồi. Sau khi Tôn giả Xá-lợi-phất vào chỗ ngồi và rửa chân xong, nói với Tỳ-kheo Diệm-ma-ca:
“Có thật thầy đã nói: ‘Theo chỗ hiểu của tôi về những pháp mà Phật đã thuyết giảng, thì vị A-la-hán lậu tận, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ không còn gì nữa?’”
Tỳ-kheo Diệm-ma-ca bạch Tôn giả Xá-lợi-phất:
“Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, thật sự là như vậy.”
Tôn giả Xá-lợi-phất nói:
“Bây giờ tôi hỏi thầy, cứ theo ý thầy mà trả lời tôi. Thế nào, Diệm-ma-ca, sắc là thường hay vô thường?”
Đáp:
“Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, là vô thường.”
Lại hỏi:
“Nếu là vô thường, thì là khổ chăng?”
Đáp:
“Là khổ.”
Lại hỏi:
“Nếu vô thường, khổ là pháp biến dịch. Vậy đa văn Thánh đệ tử ở trong đó có thấy ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?”
Đáp:
“Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, không.”
“Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.”
Lại hỏi:
“Thế nào Diệm-ma-ca, sắc là Như Lai chăng?”
Đáp:
“Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, không.”
Lại hỏi:
“Thế nào, Diệm-ma-ca, khác sắc là Như Lai chăng? Khác thọ, tưởng, hành, thức là Như Lai chăng?”
Đáp:
“Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, không.”
Lại hỏi:
“Ở trong sắc có Như Lai không? Ở trong thọ, tưởng, hành, thức có Như Lai không?”
Đáp:
“Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, không.”
Lại hỏi:
“Trong Như Lai có sắc không? Trong Như Lai có thọ, tưởng, hành, thức không?”
Đáp:
“Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, không.”
Lại hỏi:
“Phi sắc, thọ, tưởng, hành, thức[7] có Như Lai phải không?”
Đáp:
“Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, không.”
“Như vậy, này Diệm-ma-ca, Như Lai ngay trong đời này là chân thật, như thật, thường trú, không thể nắm bắt, không thể giả thiết[8]; sao thầy lại có thể nói, ‘Theo chỗ hiểu của tôi về những pháp mà Phật đã thuyết giảng, thì vị A-la-hán lậu tận, sau khi thân hoại mạng chung sẽ không còn gì nữa?’ Nói như vậy đúng thời chăng?”
Đáp:
“Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, không.”
Lại hỏi:
“Này Diệm-ma-ca, trước đây thầy nói: ‘Theo chỗ hiểu của tôi về những pháp mà Phật đã thuyết giảng, thì vị A-la-hán lậu tận, sau khi thân hoại mạng chung sẽ không còn gì nữa.’ Tại sao nay lại nói là không phải?”
Tỳ-kheo Diệm-ma-ca nói:
“Trước đây, vì vô minh tôi không hiểu, nên có tà kiến ác như vậy. Nay đã nghe Tôn giả Xá-lợi-phất nói rồi, nên những gì không hiểu do vô minh, tất cả đều dứt sạch.”
Lại hỏi:
“Nếu lại được hỏi: ‘Tỳ-kheo, tuyên bố tà kiến ác trước đây, nay do biết gì, thấy gì, mà tất cả đều bị loại bỏ?’ Thầy sẽ đáp như thế nào?”
Diệm-ma-ca đáp:
“Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, nếu có người đến hỏi thì tôi sẽ đáp như vầy, ‘A-la-hán lậu tận, sắc là vô thường; vô thường là khổ. Khổ dứt thì vắng lặng, mát mẻ, lặng im. Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.’ Nếu có người nào đến hỏi thì tôi sẽ đáp như vậy.”
Xá-lợi-phất nói:
“Lành thay! Lành thay! Tỳ-kheo Diệm-ma-ca, thầy nên đáp như vậy. Vì sao? Vì bậc A-la-hán lậu đã hết, thì thấy sắc là vô thường, mà vô thường là khổ. Nếu vô thường là khổ, thì là pháp sanh diệt. Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy.”
Sau khi Tôn giả Xá-lợi-phất nói pháp này, thì Tỳ-kheo Diệm-ma-ca xa lìa trần cấu, được mắt pháp trong sạch. Tôn giả Xá-lợi-phất nói với Tỳ-kheo Diệm-ma-ca:
“Nay tôi sẽ nói thí dụ, mà người trí nhờ thí dụ thì sẽ hiểu rõ được. Thí như một trưởng giả, hay con một trưởng giả giàu có, nhiều của cải, rất mong được nhiều người giúp việc để khéo giữ gìn tài sản. Lúc ấy có kẻ thù độc ác, giả đến gần gũi giúp đỡ và xin làm tôi tớ, luôn luôn dò xét việc ngủ nghỉ sớm muộn của chủ nhân, mà nhân đó hầu hạ hai bên, kính cẩn phục vụ; luôn thuận theo lời chủ, khiến chủ nhân vừa lòng, xem như bạn thân, tưởng như con cháu, rất tin tưởng, không nghi ngờ, nên không bao giờ tự đề phòng giữ gìn. Sau đó tên này dùng dao bén, giết chết người chủ.
“Này Tỳ-kheo Diệm-ma-ca, thầy nghĩ thế nào về kẻ thù độc ác kia, bạn thân trưởng giả ấy; đó chẳng phải là phương tiện ban đầu, với tâm hại luôn luôn dò xét tìm cơ hội, để dẫn đến cái chung cuộc đối với người chủ sao? Trong khi trưởng giả không hay biết gì về cái hậu quả tai hại mà mình phải gánh chịu hôm nay.”
Đáp:
“Thật như vậy.”
Tôn giả Xá-lợi-phất bảo Tỳ-kheo Diệm-ma-ca:
“Thầy nghĩ thế nào về trưởng giả này, nếu biết người kia giả làm người thân để ám hại, thì ông ta đã khéo tự đề phòng giữ gìn và sẽ không bị làm hại phải không?”
Đáp:
“Đúng vậy.”
Tôn giả Xá-lợi-phất bảo:
“Cũng vậy, Tỳ-kheo Diệm-ma-ca, kẻ phàm phu ngu si không học, đối với năm thọ ấm tưởng là thường, tưởng là an ổn, tưởng là không bệnh, tưởng là ngã, tưởng là ngã sở. Đối với năm thọ ấm này giữ gìn, nuối tiếc, cuối cùng thì cũng bị năm thọ ấm oan gia này làm hại, như trưởng giả kia bị kẻ oan gia, giả làm người thân hại đi mà không hay biết.
“Này Diệm-ma-ca, đa văn Thánh đệ tử đối với năm thọ ấm này phải quán sát như bệnh, như ung nhọt, như gai nhọn, như sát hại; là vô thường, khổ, không, chẳng phải ngã, chẳng phải ngã sở. Đối với năm thọ ấm này vị ấy không thọ lãnh, không đắm trước. Vì không thọ lãnh nên không đắm trước, vì không đắm trước nên tự giác ngộ Niết-bàn: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’”
Khi Tôn giả Xá-lợi-phất nói bài pháp này, thì Tỳ-kheo Diệm-ma-ca không khởi các lậu hoặc, tâm được giải thoát. Tôn giả Xá-lợi-phất vì Tỳ-kheo Diệm-ma-ca nói pháp sáng soi, chỉ bày làm cho vui vẻ rồi, từ chỗ ngồi đứng dậy ra đi.

KINH 106. A-NẬU-LA[20]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, tại thành Vương xá[21].
Bấy giờ có Tỳ-kheo tên là A-nậu-la-độ[22] ở núi Kỳ-xà-quật. Lúc ấy, có số đông người xuất gia ngoại đạo, đến chỗ A-nậu-la-độ. Sau khi họ đã chào hỏi thăm nhau, rồi ngồi sang một bên và, bạch với A-nậu-la-độ:
“Chúng tôi có điều muốn hỏi. Ngài có rảnh mà giải thích cho chúng tôi không?”
A-nậu-la-độ nói với các ngoại đạo:
“Tùy theo điều muốn hỏi, nếu biết tôi sẽ trả lời.”
Các ngoại đạo lại hỏi:
“Thế nào, Tôn giả, Như Lai sau khi chết tồn tại chăng?”
A-nậu-la-độ nói:
“Như Thế Tôn đã nói, điều này thuộc vô ký[23].”
Lại hỏi:
“Như Lai sau khi chết không tồn tại chăng?”
A-nậu-la-độ nói:
“Như Thế Tôn đã nói, điều này thuộc vô ký.”
Lại hỏi:
“Như Lai sau khi chết tồn tại và không tồn tại; chẳng phải tồn tại, chẳng phải không tồn tại chăng?”
A-nậu-la-độ nói:
“Như Thế Tôn đã nói, điều này thuộc vô ký.”
Lại hỏi A-nậu-la-độ:
“Thế nào, Tôn giả, Như Lai sau khi chết là tồn tại chăng? Bảo rằng vô ký. Như Lai sau khi chết không tồn tại chăng? Bảo rằng vô ký. Như Lai sau khi chết là cũng tồn tại, cũng không tồn tại; chẳng phải tồn tại, chẳng phải không tồn tại chăng? Bảo rằng vô ký. Thế nào, Tôn giả, Sa-môn Cù-đàm không biết, không thấy chăng?”
A-nậu-la-độ nói:
“Đức Thế Tôn chẳng phải không biết, chẳng phải không thấy.”
Bấy giờ, các ngoại đạo không hài lòng về những gì mà Tôn giả A-nậu-la-độ đã nói, bèn chỉ trích, rồi từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.
Tôn giả A-nậu-la-độ chờ cho các ngoại đạo đi rồi, đến chỗ Đức Phật, đảnh lễ dưới chân, rồi đứng sang một bên, đem những gì các ngoại đạo đã hỏi trình lên tất cả cho Phật:
“Bạch Thế Tôn, họ đã hỏi như vậy và con đáp như vậy, nói như vậy, có phù hợp với Chánh pháp không? Con không mắc tội hủy báng Thế Tôn chăng? Là thuận theo pháp hay là trái với pháp? Không khiến cho khi có người đến cật vấn mà bị bế tắc chăng?”
Phật bảo A-nậu-la-độ:
“Nay Ta hỏi ngươi, theo những gì Ta hỏi mà trả lời. Này A-nậu-la-độ, sắc là thường hay vô thường?”
Đáp:
“Là vô thường.”
“Thọ, tưởng, hành, thức là thường hay là vô thường?”
Đáp:
“Bạch Thế Tôn, là vô thường.”
Nói chi tiết như kinh Diệm-ma-ca, cho đến, thức là Như Lai chăng? Đáp là không.
Phật bảo A-nậu-la-độ:
“Nói như vậy là nói lời phù hợp[24], chẳng phải hủy báng Như Lai, chẳng phải vượt qua thứ lớp, như những lời của Như Lai nói theo các pháp tùy thuận[25] không ai có thể đến cật vấn chê trách được. Vì sao? Vì đối với sắc, Ta biết như thật về sắc, về sự tập khởi của sắc, về sự đoạn tận của sắc, về con đường đưa đến sự diệt tận của sắc. Này A-nậu-la-độ, nếu bỏ qua những điều Như Lai giải thích[26] mà bảo là Như Lai không biết, không thấy, thì đây chẳng phải là lời nói chính xác[27].”
Phật nói kinh này xong, A-nậu-la-độ nghe những gì Đức Phật đã dạy, vui mừng thực hành theo.

KINH 108. TÂY[34]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại tụ lạc Thiên hiện của dòng họ Thích[35].
Bấy giờ có số đông Tỳ-kheo người phương Tây muốn trở về phương Tây an cư, đến chỗ Đức Thế Tôn đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên. Bấy giờ, Đức Thế Tôn vì họ mà nói pháp, khai mở, chỉ dạy, soi sáng, làm cho hoan hỷ. Sau khi bằng nhiều cách được khai mở, chỉ dạy, soi sáng, làm cho hoan hỷ rồi, số đông Tỳ-kheo phương Tây từ chỗ ngồi đứng dậy chắp tay bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, các Tỳ-kheo phương Tây chúng con, muốn trở về phương Tây an cư, nay chúng con xin được từ giã.”
Phật bảo các Tỳ-kheo phương Tây:
“Các ông đã từ giã Xá-lợi-phất chưa?”
Đáp:
“Bạch, chưa từ giã.”
Phật bảo các Tỳ-kheo phương Tây:
“Xá-lợi-phất thuần tu phạm hạnh, các ông nên từ giã. Ông ấy có thể làm cho các ông được lợi ích và an lạc lâu dài.”
Các Tỳ-kheo phương Tây từ tạ mà lui và chuẩn bị đi. Lúc ấy Tôn giả Xá-lợi-phất đang ngồi dưới một bóng cây kiên cố[36] cách Phật không xa. Các Tỳ-kheo đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi lui sang một bên, bạch Tôn giả Xá-lợi-phất:
“Chúng tôi muốn trở về phương Tây an cư, nên đến đây xin từ giã.”
Tôn giả Xá-lợi-phất hỏi:
“Các ông đã từ giã Đức Thế Tôn chưa?”
Đáp:
“Thưa, đã từ giã rồi.”
Xá-lợi-phất bảo:
“Các ông trở về phương Tây, mỗi quốc độ mỗi khác nhau, mỗi chúng hội mỗi khác nhau, ắt sẽ có người hỏi các ông. Hiện tại các ông đang ở chỗ Đức Thế Tôn nghe pháp được khéo giảng thuyết, hãy khéo lãnh thọ, khéo ghi nhớ, khéo quán sát, khéo thâm nhập, để đủ khả năng vì mọi người kia mà tuyên nói lại đầy đủ, để không phải là hủy báng Đức Phật chăng? Không để cho các chúng kia nạn vấn, gạn hỏi chê trách và bị bế tắc chăng?”
Các Tỳ-kheo bạch ngài Xá-lợi-phất:
“Chúng tôi vì muốn nghe pháp, nên đến chỗ Tôn giả. Xin Tôn giả vì thương xót chúng tôi mà nói pháp đầy đủ.”
Tôn giả Xá-lợi-phất bảo các Tỳ-kheo:
“Người Diêm-phù-đề lợi căn thông minh. Hoặc Sát-lợi, Sa-môn, Bà-la-môn, hay gia chủ, có thể họ sẽ hỏi các ông rằng: ‘Đại sư của các ông nói pháp như thế nào? Dùng những pháp nào để truyền dạy cho các ông?’ Thì các ông nên đáp: ‘Đại sư chỉ nói điều phục dục tham và chỉ đem pháp này để truyền dạy.’
“Họ sẽ hỏi lại các ông: ‘Ở trong pháp nào mà điều phục dục tham?’ Các ông nên đáp: ‘Đại sư chỉ nói ở trong sắc ấm kia mà điều phục dục tham; ở trong thọ, tưởng, hành, thức ấm kia mà điều phục dục tham. Đại sư của chúng tôi nói pháp như vậy.’
“Họ sẽ lại hỏi: ‘Dục tham có tai hại gì mà Đại sư lại nói ở ngay nơi sắc điều phục dục tham; nơi thọ, tưởng, hành, thức điều phục dục tham?’ Các ông nên trả lời: ‘Nếu ở nơi sắc mà dục không đoạn trừ, tham không đoạn trừ, ái không đoạn trừ, niệm không đoạn trừ, khát không đoạn trừ và khi sắc kia biến đổi, hoặc khác đi, thì sẽ sanh ra ưu, bi, khổ, não; đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy. Vì thấy dục tham có những tai hại như vậy, nên ở nơi sắc phải điều phục dục tham; ở nơi thọ, tưởng, hành, thức điều phục dục tham.’
“Họ sẽ lại hỏi: ‘Thấy có lợi ích gì trong việc dứt trừ dục tham, mà Đại sư nói ở nơi sắc phải điều phục dục tham; ở nơi thọ, tưởng, hành, thức điều phục dục tham?’ Các ông nên trả lời: ‘Nếu ở nơi sắc mà đoạn trừ dục, đoạn trừ tham, đoạn trừ niệm, đoạn trừ ái, đoạn trừ khát, thì đối với sắc nếu có biến đổi, hoặc khác đi, vẫn không khởi lên ưu, bi, khổ, não; và đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy. Thưa các ngài, nếu vì nguyên nhân nhận lãnh các pháp bất thiện mà khiến cho cuộc sống ngay trong hiện tại vẫn được an vui, không khổ, không chướng ngại, không phiền não, không nóng bức, thân hoại mạng chung được sanh vào nơi tốt lành, thì Đức Thế Tôn cuối cùng đã không dạy: Hãy đoạn trừ các pháp bất thiện. Và cũng không dạy người ở trong Phật pháp tu các phạm hạnh, để đạt được tận cùng của mé khổ. Vì nguyên nhân nhận lãnh các pháp bất thiện nên sẽ đưa đến một cuộc sống khổ đau ngay trong hiện tại và chướng ngại, nhiệt não; sau khi thân hoại mạng chung sẽ đọa vào trong đường ác. Cho nên Đức Thế Tôn dạy, hãy đoạn trừ pháp bất thiện và ở trong Phật pháp phải tu các phạm hạnh để đạt được rốt cùng mé khổ, bình đẳng giải thoát hết khổ. Nếu vì nguyên nhân nhận lãnh các pháp thiện, mà ngay trong cuộc sống hiện tại chịu khổ, chướng ngại, nhiệt não và sẽ đọa vào trong đường ác, thì Thế Tôn đã không dạy nên thọ trì pháp thiện, ở trong Phật pháp phải tu phạm hạnh để đạt được rốt cùng mé khổ, bình đẳng giải thoát hết khổ. Vì thọ trì pháp thiện nên ngay trong cuộc sống hiện tại được an vui, không khổ, không chướng ngại, không phiền não, không nhiệt bức; sau khi thân hoại mạng chung sẽ sanh vào nơi tốt lành. Cho nên Đức Thế Tôn khen ngợi việc dạy người lãnh thọ các pháp thiện, ở trong Phật pháp tu các phạm hạnh để đạt được rốt cùng của mé khổ, bình đẳng giải thoát hết khổ.”
Khi Tôn giả Xá-lợi-phất nói pháp này, các Tỳ-kheo phương Tây không khởi lên các lậu hoặc, tâm được giải thoát.
Sau khi Tôn giả Xá-lợi-phất nói pháp này xong, các Tỳ-kheo tùy hỷ hoan hỷ, làm lễ mà lui.

KINH 110. TÁT-GIÁ[45]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở cạnh ao Di hầu tại Tỳ-xá-ly[46].
Bấy giờ, tại Tỳ-xá-ly có một Ni-kiền tử[47] thông tuệ, minh triết, hiểu rõ các luận và có sự kiêu mạn của thông minh; trong các luận rộng rãi, trí tuệ đã đạt đến chỗ vi diệu[48]; nói pháp cho mọi người, vượt hẳn mọi luận sư. Ông thường nghĩ rằng: ‘Các Sa-môn, Bà-la-môn không ai địch lại ta. Ngay cả đến với Như Lai ta cũng có thể cùng luận bàn. Bọn luận sư nghe đến tên ta thì trán và nách đều toát mồ hôi, các lỗ chân lông đều chảy nước. Ta luận nghĩa như gió có thể đè bẹp cỏ, bẻ gãy cây, phá vỡ vàng đá và hàng phục các loài rồng voi, huống chi là bọn luận sư ở thế gian lại có thể đương đầu với ta ư!”
Lúc này, có Tỳ-kheo tên là A-thấp-ba-thệ[49], sáng sớm đắp y mang bát, oai nghi tề chỉnh, mắt đoan chánh nhìn thẳng bước, vào thành khất thực. Bấy giờ, Ni-kiền tử Tát-giá[50] có chút việc đi đến các làng xóm; từ cửa thành ra trông thấy Tỳ-kheo A-thấp-ba-thệ, liền đến chỗ Tỳ-kheo hỏi:
“Sa-môn Cù-đàm vì các đệ tử nói pháp như thế nào? Dùng những pháp nào để dạy cho các đệ tử khiến cho họ tu tập?”
A-thấp-ba-thệ nói:
“Này cư sĩ Hỏa chủng[51], Đức Thế Tôn nói pháp như vầy để dạy cho các đệ tử, khiến cho họ theo đó mà tu học. Ngài dạy các Tỳ-kheo: ‘Đối với sắc hãy quán là không có ngã; với thọ, tưởng, hành, thức, hãy quán là không có ngã. Đối với năm thọ ấm này phải siêng năng phương tiện quán sát như là bệnh, như là ung nhọt, như là gai nhọn, như là giết hại, là vô thường, khổ, không, chẳng phải ngã.’”
Ni-kiền tử Tát-giá nghe những lời nói này, tâm không vui, liền nói rằng:
“A-thấp-ba-thệ, chắc ông đã nghe lầm rồi! Sa-môn Cù-đàm hoàn toàn không nói những lời này. Nếu Sa-môn Cù-đàm đã nói những lời này thì đó là thứ tà kiến. Tôi sẽ đến nạn vấn ông ấy để khiến phải từ bỏ.”
Bấy giờ, Ni-kiền tử Tát-giá đi đến các làng xóm, tại chỗ những người Ly-xa đang tụ hội, nói với các Ly-xa rằng:
“Hôm nay tôi có gặp vị đệ tử thứ nhất của Sa-môn Cù-đàm, tên là A-thấp-ba-thệ, cùng nhau bàn luận. Nếu đúng như lời ông ta nói, thì tôi sẽ đến chỗ Sa-môn Cù-đàm cùng bàn luận, làm cho xoay chuyển tiến thoái đều theo ý của tôi.
“Giống như người cắt cỏ, tay nắm thân chúng đưa lên rũ bỏ đi những loại tạp uế; tôi cũng như vậy, tôi cùng với Sa-môn Cù-đàm cật vấn bàn luận, tôi sẽ nắm lấy chỗ cốt yếu, rồi mặc ý xoay tới hay xoay lui, loại bỏ đi cái tà ấy.
“Như người nấu rượu, cầm túi hèm rượu ép lấy nước tinh thuần và bỏ đi cặn bã hèm. Tôi cũng như vậy, đi đến Sa-môn Cù-đàm nạn vấn bàn luận, tôi sẽ nắm lấy chỗ thuần chân, rồi mặc ý xoay tới hay xoay lui, loại bỏ đi cái tà ấy.
“Như thợ dệt chiếu, dùng chiếu đựng đầy vật nhơ, nên trước khi muốn đem ra chợ bán, phải tẩy xóa những vết nhơ, loại bỏ đi những mùi hôi thối. Tôi cũng như vậy, đi đến Sa-môn Cù-đàm nạn vấn bàn luận, tôi sẽ nắm lấy chỗ cương lĩnh, rồi mặc ý xoay tới hay xoay lui, loại bỏ các thuyết uế tạp.
“Như người huấn luyện voi của nhà vua, dắt con voi say vào trong nước sâu, rửa thân thể nó, tứ chi, tai, mũi; toàn thân thể của nó đều được tắm rửa, trừ bỏ các thứ bụi bẩn. Tôi cũng như vậy, đi đến Sa-môn Cù-đàm nạn vấn bàn luận, tôi sẽ nắm lấy chỗ yếu lĩnh, rồi mặc ý xoay tới hay xoay lui, loại bỏ các thuyết uế tạp. Các Ly-xa, các người cũng nên cùng tôi đến để xem sự hơn thua.”
Trong nhóm Ly-xa có người nói rằng:
“Ni-kiền tử Tát-giá mà có thể cùng với Sa-môn Cù-đàm bàn luận, thì điều này không thể xảy ra.”
Lại có người nói:
“Ni-kiền tử Tát-giá, là người lợi căn thông tuệ có khả năng luận bàn với Sa-môn Cù-đàm.”
Lúc này, có năm trăm Ly-xa cùng Ni-kiền tử Tát-giá đi đến chỗ Đức Phật để luận bàn. Bấy giờ, Đức Thế Tôn đang ngồi dưới bóng cây ở trong rừng Đại lâm, an trú nơi Thiên trụ[52]. Giờ này có nhiều Tỳ-kheo ra khỏi phòng và đang đi kinh hành trong rừng, từ xa trông thấy Ni-kiền tử Tát-giá đang đi đến. Đến chỗ các Tỳ-kheo, Tát-giá hỏi các Tỳ-kheo:
“Sa-môn Cù-đàm đang ở chỗ nào?”
Các Tỳ-kheo đáp:
“Đang ngồi dưới bóng cây trong Đại lâm, nơi ở của chư Thiên.”
Ni-kiền tử Tát-giá liền đến chỗ Đức Phật, cung kính hỏi thăm, rồi ngồi sang một bên. Các gia chủ Ly-xa cũng đến chỗ Đức Phật, có người cung kính, có người người chắp tay chào hỏi, rồi đứng sang một bên. Bây giờ, Ni-kiền tử Tát-giá bạch Phật:
“Tôi nghe Cù-đàm nói pháp như vầy và dạy các đệ tử như vầy: ‘Đối với sắc hãy quán là không có ngã; với thọ, tưởng, hành, thức, hãy quán là không có ngã. Đối với năm thọ ấm này phải siêng năng phương tiện quán sát như là bệnh, như là ung nhọt, như là gai nhọn, như là giết hại, là vô thường, khổ, không, chẳng phải ngã.’ Có phải Cù-đàm dạy như vậy hay không? Hay đây là những lời tuyên truyền với mục đích là để hủy báng Cù-đàm chăng? Thuyết là như thuyết, hay không như thuyết? Thuyết đúng như pháp chăng? Thuyết theo thuận thứ của pháp chăng? Không có kẻ khác nào đến nạn vấn dồn vào chỗ bế tắc chăng?”
Phật nói với Ni-kiền tử Tát-giá:
“Như những gì ông đã nghe. Thuyết là như thuyết, là thuyết đúng như pháp, thuyết theo thuận thứ của pháp, chứ chẳng phải là hủy báng và cũng không có nạn vấn nào khiến bị bế tắc. Vì sao? Ta đã thật sự vì các đệ tử mà thuyết pháp như vậy, Ta đã thật sự luôn luôn dạy dỗ các đệ tử để cho họ tùy thuận theo pháp giáo, khiến họ quán sắc là không ngã; thọ, tưởng, hành, thức là không ngã. Quán năm thọ ấm này như là bệnh, như ung nhọt, như gai nhọn, như giết hại, là vô thường, khổ, không, phi ngã.”
Ni-kiền tử Tát-giá bạch Phật rằng:
“Thưa Cù-đàm, bây giờ, tôi sẽ đưa ra một thí dụ.”
Phật bảo Ni-kiền tử Tát-giá:
“Nếu thấy thích hợp.”
“Ví như tất cả những gì được tạo tác ở thế gian đều nương trên đất; cũng vậy sắc là con người[53], mọi việc thiện ác đều phát sanh từ đó[54]. Thọ, tưởng, hành, thức là con người, mọi việc thiện ác cũng đều phát sanh từ đó.
“Thêm một thí dụ nữa, như cõi người, cõi thần[55], cỏ thuốc, cây cối, đều nương vào đất mà được sanh trưởng; cũng vậy, sắc là con người. Thọ, tưởng, hành, thức là con người.”
Phật nói:
“Này Hỏa chủng cư sĩ, ông nói sắc là con người[56]; thọ, tưởng, hành, thức là con người chăng?”
Đáp:
“Thưa Cù-đàm, đúng như vậy. Sắc là con người; thọ, tưởng, hành, thức là người. Ở đây tất cả mọi người đều nói như vậy.”
Phật bảo Hỏa chủng cư sĩ:
“Thôi, hãy lập luận theo luận thuyết của ông đi, việc gì phải đem mọi người ra.”
Ni-kiền tử Tát-giá bạch Phật:
“Sắc thật sự là con người.”
Phật bảo Hỏa chủng cư sĩ:
“Bây giờ, Ta hỏi ông, cứ theo ý ông mà đáp. Như quốc vương, mà trong nước mình nếu có người phạm tội, hoặc giết, hoặc trói, hoặc đuổi, hoặc đánh bằng roi, hoặc chặt tay chân. Hoặc nếu có người có công thì vua sẽ ban thưởng voi, ngựa, xe cộ, thành ấp, tài sản, bảo vật cho. Tất cả vua đều làm được, phải không?”
Đáp:
“Thưa Cù-đàm, có thể làm được như vậy.”
Phật bảo Hỏa chủng cư sĩ:
“Phàm là người chủ, ắt phải được tự tại chăng?”
Đáp:
“Thưa Cù-đàm, đúng như vậy.”
Phật bảo Hỏa chủng cư sĩ:
“Ông nói sắc là ngã; thọ, tưởng, hành, thức là ngã, vậy có được tùy ý tự tại khiến nó như vậy hay không như vậy chăng?”
Lúc này, Ni-kiền tử Tát-giá ngồi im.
Phật bảo Hỏa chủng cư sĩ:
“Nói ngay đi! Nói ngay đi! Tại sao im lặng?”
Ba lần hỏi như vậy, Ni-kiền tử vẫn cố im lặng. Ngay lúc đó thần lực sĩ Kim cương[57] đang ở giữa hư không, cầm chày kim cương lửa bốc mạnh hừng hực, đặt trên đầu Ni-kiền tử Tát-giá, bảo rằng: “Đức Thế Tôn đã ba lần hỏi, tại sao ông không trả lời? Ta sẽ dùng chiếc chày kim cương đập vỡ đầu ông ra làm bảy mảnh.” Vào lúc ấy, nhờ vào thần lực của Phật, nên chỉ khiến cho một mình Ni-kiền tử Tát-giá thấy thần Kim cương mà thôi, ngoài ra không một ai thấy hết.
Ni-kiền tử Tát-giá thấy vậy sợ hãi quá, bạch Phật rằng:
“Thưa Cù-đàm, không phải như vậy.”
Phật bảo Ni-kiền tử Tát-giá:
“Hãy chậm rãi suy nghĩ, sau đó mới nói rõ. Trước đây, ở giữa mọi người, ông bảo sắùc là ngã; thọ, tưởng, hành, thức cũng là ngã. Nhưng bây giờ lại bảo là không phải. Trước sau mâu thuẫn nhau. Trước đây, ông thường bảo rằng sắc là ngã; thọ, tưởng, hành, thức cũng là ngã. Này Hỏa chủng cư sĩ, nay Ta hỏi ông, sắc là thường hay vô thường?”
Đáp:
“Thưa Cù-đàm, là vô thường.”
Lại hỏi:
“Vô thường có phải là khổ không?”
Đáp:
“Thưa Cù-đàm, là khổ.”
Lại hỏi:
“Vô thường, khổ là pháp biến dịch, vậy là đa văn Thánh đệ tử ở trong đó có thấy ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?”
Đáp:
“Thưa Cù-đàm, không.”
“Và đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.”
Phật bảo Hỏa chủng cư sĩ:
“Ông hãy suy nghĩ cho kỹ rồi sau mới nói.”
Lại hỏi Hỏa chủng cư sĩ:
“Nếu đối với sắc mà chưa lìa tham, chưa lìa dục, chưa lìa niệm, chưa lìa ái, chưa lìa khát, khi sắc này biến đổi, hoặc khác đi thì nó sẽ sanh ra ưu, bi, khổ, não chăng?”
Đáp:
“Thưa Cù-đàm, đúng vậy.”
“Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.”
Lại hỏi Hỏa chủng cư sĩ:
“Nếu đối với sắc mà lìa tham, lìa dục, lìa niệm, lìa ái, lìa khát, khi sắc này biến đổi, hoặc khác đi, thì kia sẽ không sanh ra ưu, bi, khổ, não chăng?”
Đáp:
“Thưa Cù-đàm, đúng vậy, như thật không khác.”
“Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.”
“Này Hỏa chủng cư sĩ, như thân mắc các bệnh khổ, thường bị khổ câu thúc, cái khổ này không dứt, không vứt đi được, thì người kia được an vui chăng?”
Đáp:
“Thưa Cù-đàm, không.”
Như vậy, này Hỏa chủng cư sĩ, khi thân mắc các bệnh khổ, thường bị khổ câu thúc, cái khổ này không dứt, không vứt đi được, thì không được an vui.
“Này Hỏa chủng cư sĩ, như người mang búa vào núi, tìm những cây gỗ thật chắc, thấy cây chuối to lớn, ngay thẳng, liền chặt rễ lá và lột bẹ của nó cho đến tận cùng, mà vẫn không thấy cái lõi chắc thật. Này Hỏa chủng cư sĩ, ông cũng như vậy, đã tự lập ra luận thuyết, nhưng nay Ta đã khéo léo tìm ra cái nghĩa chân thật của nó, mà vẫn không thấy được cái cốt lõi chân thật, nó giống như cây chuối vậy. Thế mà ở giữa mọi người, ông dám đứng ra tuyên bố là: ‘Trong đám Sa-môn, Bà-la-môn, ta không thấy một ai có tri kiến có thể cùng đem bàn luận với tri kiến của Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, mà không bị Ta chiết phục.’ Và lại tự nói: ‘Ta luận nghĩa như gió có thể đè bẹp cỏ, bẻ gãy cây, phá vỡ vàng đá và hàng phục các loài rồng voi, đến nỗi có thể khiến cho họ toát mồ hôi trán, toát mồ hôi nách và các lỗ chân lông đều đẫm nước.’ Nay ông đã tự luận nghĩa cho chính mình, nhưng không tự lập lại những lời lẽ khoác lác trước đây, là có thể chiết phục mọi hiện tượng này. Hiện tại ông đã đem hết khả năng lý sự thủ đắc của mình, mà không thể làm lay động được một sợi lông của Như Lai.”
Bấy giờ, Đức Thế Tôn ở giữa mọi người, vén Uất-đa-la-tăng bày ngực và chỉ:
“Mọi người hãy nhìn xem, có thể nào làm lay động được một sợi lông của Như Lai không?”
Lúc này, Ni-kiền tử Tát-giá im lặng, cúi đầu, hổ thẹn, thất sắc. Khi ấy ở trong chúng có một Ly-xa tên là Đột-mục-khư[58], từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, chắp tay bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, cho phép con nói thí dụ.”
Phật bảo Đột-mục-khư:
“Nếu thấy hợp thời.”
Đột-mục-khư bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, thí như có người mang cái đấu, cái hộc vào trong một đống thóc lớn xúc ra hai, ba hộc; thì hiện tại Ni-kiền tử Tát-giá cũng giống như vậy. Bạch Thế Tôn, giống như một gia chủ giàu có, nhiều của cải, bỗng nhiên phạm vào tội lỗi, nên tất cả những tài vật đó đều bị sung vào nhà vua, thì Ni-kiền tử Tát-giá cũng giống như vậy, tất cả mọi sự biện tài có được của ông, đều bị Như Lai tóm thâu hết. Giống như cạnh làng xóm, thành ấp có con sông lớn, mọi nam nữ lớn nhỏ đều vào trong dòng nước nô đùa. Họ bắt lấy con cua ở trong nước bẻ gãy chân rồi đem đặt trên mặt đất; vì không có chân nên không thể trở lại dòng sông được. Ni-kiền tử Tát-giá cũng giống như vậy, các biện tài của ông đều bị Như Lai bẻ gãy, để rồi không bao giờ dám trở lại cùng Như Lai bàn luận đối địch nữa.”
Lúc này, Ni-kiền tử Tát-giá vô cùng tức giận, thóa mạ Ly-xa Đột-mục-khư:
“Nhà ngươi là thứ thô lỗ; không biết gì hết sao lại rống lên? Tự ta cùng Sa-môn Cù-đàm bàn luận, chứ có can hệ gì đến việc của ngươi đâu?”
Ni-kiền tử thóa mạ Đột-mục-khư rồi, lại bạch Phật:
“Hãy gác qua những lời nói của tên hạ tiện kia đi. Bây giờ riêng tôi có điều muốn hỏi.”
Phật bảo Ni-kiền tử Tát-giá:
“Tùy ý ông cứ hỏi, Ta sẽ theo câu hỏi mà trả lời.”
“Vì đệ tử, Cù-đàm nói pháp như thế nào để cho họ xa lìa nghi hoặc?”
Phật bảo Hỏa chủng cư sĩ:
“Ta nói cho các đệ tử rằng: ‘Những gì thuộc về sắc, hoặc là quá khứ, hoặc là hiện tại, hoặc là vị lai; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; tất cả chúng đều quán sát như thật, chẳng phải ngã, chẳng phải khác ngã, chẳng phải ở trong nhau. Và đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy.’ Kia học tập như vậy chắc chắn sẽ thấy được dấu vết con đường[59], không bị đứt mất, có thể thành tựu tri kiến nhàm chán, canh giữ cửa cam lộ. Tuy chẳng phải tất cả đều đạt được cứu cánh, nhưng tất cả đều hướng đến Niết-bàn. Đệ tử theo pháp dạy của Ta như vậy, thì sẽ được xa lìa nghi hoặc.”
Lại hỏi:
“Thưa Cù-đàm, Ngài dạy thế nào để cho các đệ tử, ở trong Phật pháp chứng đắc lậu tận, tâm vô lậu giải thoát, tuệ giải thoát, ngay trong đời hiện tại mà tự tri, tự tác chứng, biết rằng: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’?”
Phật bảo Hỏa chủng cư sĩ:
“Chính bằng pháp này: ‘Những gì thuộc về sắc, hoặc quá khứ, hoặc hiện tại, hoặc vị lai; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; tất cả chúng đều được biết như thật, là chẳng phải ngã, chẳng phải khác ngã, chẳng phải ở trong nhau; và thọ, tưởng, hành, thức chúng cũng lại như vậy.’ Đệ tử kia lúc bấy giờ thành tựu được ba thứ vô thượng: Trí vô thượng, Đạo vô thượng, Giải thoát vô thượng[60]. Khi đã thành tựu được ba vô thượng này rồi, vị ấy đối với Đại sư mà cung kính, tôn trọng, cúng dường như là Phật, rằng: ‘Thế Tôn đã giác ngộ tất cả các pháp, rồi bằng pháp này, Ngài điều phục đệ tử khiến cho họ được an lạc, khiến cho họ được vô úy, điều phục tịch tĩnh, cứu cánh Niết-bàn. Đức Thế Tôn vì mục đích Niết-bàn nên nói pháp cho các đệ tử.’
“Này cư sĩ Hỏa chủng, các đệ tử của Ta ở trong pháp này mà chứng đắc lậu tận, được tâm giải thoát, được tuệ giải thoát, ở ngay trong đời này mà tự tri, tự tác chứng, biết rằng: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’”
Ni-kiền tử Tát-giá bạch Phật:
“Thưa Cù-đàm, giống như một người khỏe mạnh bị những mũi đao nhọn rơi loạn xạ vào người, còn có thể thoát ra được. Nhưng đối với thủ thuật luận bàn của Cù-đàm, thì thật khó có thể thoát được. Như rắn nhiều nọc độc còn có thể tránh được; như lửa mạnh ở giữa đầm hoang còn có thể tránh được; voi say hung dữ cũng có thể thoát được; như sư tử đói cuồng điên, tất cả đều có thể thoát được hết, nhưng đối với trong thủ thuật luận bàn của Sa-môn Cù-đàm thì thật là khó có thể thoát được. Không phải như bọn tầm thường chúng tôi, khinh suất, lỗ mãng, luận thuyết nửa vời, mà có thể đến chỗ Cù-đàm để luận nghị được.
“Thưa Sa-môn Cù-đàm, Tỳ-xá-ly này là nước an lạc, thịnh vượng, lại có các tháp miếu Giá-ba-lê, Tất-yêm-la-thọ, Đa-tử và Cù-đàm có thể ở tại tháp miếu Câu-lâu-đà, hay Ba-la-thọ-trì, hay Xả-trọng-đảm, hay Lực sĩ Bảo-quan[61]. Thế Tôn sẽ an lạc ở nước Tỳ-xá-ly này, vì ở chỗ Thế Tôn thường được cung kính, phụng sự, cúng dường bởi chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn cùng những người trong thế gian; và nhờ những việc làm này, sẽ khiến cho chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn luôn luôn được an lạc. Xin Ngài hãy dừng lại nơi này và sáng mai xin Ngài cùng đại chúng nhận bữa ăn đạm bạc của con.”
Bấy giờ, Đức Thế Tôn im lặng nhận lời mời. Ni-kiền tử Tát-giá biết Đức Thế Tôn đã nhận lời mời rồi, tùy hỷ vui mừng, từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.
Trên đường về, Ni-kiền tử Tát-giá bảo các Ly-xa:
“Ta đã thỉnh được Sa-môn Cù-đàm và đại chúng để cúng dường trai phạn, các ông, mỗi người hãy sửa soạn một món ăn đem đến chỗ ta.”
Các Ly-xa mỗi người trở về nhà, ngay đêm hôm đó sửa soạn đồ cúng dường và sáng sớm đem đến chỗ Ni-kiền tử Tát-giá. Sáng hôm ấy, Ni-kiền tử Tát-giá lo rưới nước, quét dọn nhà cửa, trải chỗ ngồi, chuẩn bị nước sạch, rồi sai người đến Phật thưa là đã đến giờ.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn cùng đại chúng đắp y mang bát đến nhà Ni-kiền tử Tát-giá, Ngài ngồi trước đại chúng. Ni-kiền tử Tát-giá tự tay dâng đầy đủ đồ ăn thức uống thanh tịnh cho đại chúng. Sau khi thọ thực và rửa bát xong, Ni-kiền tử Tát-giá biết Phật và đại chúng đã hoàn tất xong mọi việc, ông lấy một cái ghế thấp đặt ngồi trước Phật. Bấy giờ, Đức Thế Tôn vì Ni-kiền tử Tát-giá mà tùy hỷ nói kệ:
Ở trong các lễ hội,
Thờ lửa là hơn hết.
Trong kinh điển Vi-đà,
Bà-tỳ-đế trên hết.
Con người, vua là nhất.
Các sông, biển là hơn.
Các sao, trăng là nhất.
Ánh sáng, mặt trời nhất.
Trong mười phương trời người,
Đẳng Chánh Giác là nhất.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn vì Ni-kiền tử Tát-giá nói đủ các thứ pháp, soi sáng, chỉ dạy, làm cho an vui rồi, trở về chỗ cũ. Trên đường trở về các Tỳ-kheo cùng nhau bàn luận về việc năm trăm Ly-xa đã vì Ni-kiền tử Tát-giá mà đã sửa soạn đồ ăn thức uống cúng dường. Các Ly-xa này sẽ được phước gì? Còn Ni-kiền tử Tát-giá sẽ được phước gì?
Khi các Tỳ-kheo đã trở về trú xứ, đem cất y bát và rửa chân xong đến chỗ Đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:
“Trên đường về chúng con cùng nhau bàn tán về việc năm trăm Ly-xa đã vì Ni-kiền tử Tát-giá sửa soạn đồ ăn thức uống, cúng dường Thế Tôn và đại chúng. Vậy năm trăm Ly-xa này sẽ được phước gì? Và Ni-kiền tử Tát-giá sẽ được phước gì?”
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Năm trăm Ly-xa này đã vì Ni-kiền tử, sửa soạn đồ ăn thức uống cúng dường, thì sẽ tạo nhân duyên được phước đối với chỗ Ni-kiền tử Tát-giá. Còn Ni-kiền tử Tát-giá thì sẽ được phước công đức Phật. Các Ly-xa này được nhân duyên quả báo của bố thí nhưng có tham, sân, si; còn Ni-kiền tử Tát-giá thì sẽ được nhân duyên quả báo bố thí nhưng không có tham, sân, si.”
Bài kệ tóm lược nội dung những kinh trên:
Mười câu hỏi Đa-la[62],
Sai-ma, Diệm, Tiên-ni,
A-nậu-la, Gia chủ,
Tây, Mao đoan, Tát-giá.

KINH 120. MA (1)[19]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại núi Ma-câu-la. Bấy giờ có Tỳ-kheo thị giả tên là La-đà.
Bấy giờ Thế Tôn nói với La-đà:
“Những gì thuộc về sắc, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần, hãy quán sát tất cả chúng do ma tạo ra; và những gì thuộc về thọ, tưởng, hành, thức, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần, hãy quán sát tất cả chúng đều do ma tạo ra.”
Phật bảo La-đà:
“Sắc là thường hay vô thường?”
Đáp:
“Bạch Thế Tôn, là vô thường.”
Lại hỏi:
“Nếu là vô thường, thì khổ chăng?”
Đáp:
“Bạch Thế Tôn, là khổ.”
Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.
Lại hỏi:
“Này La-đà, nếu vô thường, khổ là pháp biến dịch, đa văn Thánh đệ tử ở trong đó có thấy sắc là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau chăng?”
Đáp:
“Bạch Thế Tôn, không.”
Phật bảo La-đà:
“Nếu đa văn Thánh đệ tử đối với năm thọ ấm này không thấy là ngã, là ngã sở nên đối với các pháp thế gian không chấp giữ. Vì không có gì chấp giữ nên không có gì để dính mắc. Vì không có gì để dính mắc nên tự giác ngộ Niết-bàn: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’”
Phật nói kinh này xong, Tỳ-kheo La-đà nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành. 


KINH 130. CẦU ĐẠI SƯ (1)[44]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Muốn đoạn trừ năm thọ ấm, thì phải cầu Đại sư. Những gì là năm? Sắc thọ ấm; thọ, tưởng, hành, thức thọ ấm. Muốn đoạn trừ năm thọ ấm này, thì phải cầu Đại sư.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Cũng như kinh “Đương đoạn”, các kinh tiếp theo cũng vậy, có tên như sau:
-         Đương thổ (hãy nhả ra);
-         Đương tức (hãy đình chỉ);
-         Đương xả (hãy xả bỏ).
  
Cũng như kinh “Cầu Đại sư”, các kinh sau đây có nội dung tương đồng (có năm mươi chín kinh):
-         Cầu Thắng sư (bậc thầy cao cả),
-         Thuận thứ sư (bậc thầy thuận theo thứ lớp),
-         Giáo giới giả (người răn dạy),
-         Thắng giáo giới giả (người răn dạy hơn nhất),
-         Thuận thứ giáo giới giả (người răn dạy thuận theo thứ lớp),
-         Thông giả (người thông suốt),
-         Quảng thông giả (người thông suốt rộng rãi),
-         Viên thông giả (người thông suốt tròn đầy),
-         Đạo giả (người dẫn đường),
-         Quảng đạo giả (người dẫn đường rộng rãi),
-         Cứu cánh đạo giả (người dẫn đường rốt ráo),
-         Thuyết giả (người thuyết giảng),
-         Quảng thuyết giả (người thuyết giảng rộng rãi),
-         Thuận thứ thuyết giả (người thuyết giảng theo thứ lớp),
-         Chánh giả (người chân chánh),
-         Bạn giả (người đồng hành),
-         Chân tri thức giả (bằng hữu chân thật),
-         Thân giả (người thân cận),
-         Mẫn giả (người thương xót),
-         Bi giả (người từ bi),
-         Sùng nghĩa giả (người sùng nghĩa),
-         An ủy giả (người an ủi),
-         Sùng lạc giả (người sùng lạc),
-         Sùng xúc giả (người sùng xúc),
-         Sùng an ủy giả (người sùng sự an ủi),
-         Dục giả (người muốn),
-         Tinh tấn giả (người tinh tấn),
-         Phương tiện giả (người phương tiện),
-         Cần giả (người chuyên cần),
-         Dũng mãnh giả (người dõng mãnh),
-         Cố giả (người kiên cố),
-         Cường giả (người mạnh mẽ),
-         Kham năng giả (người có khả năng),
-         Chuyên giả (người tinh chuyên),
-         Tâm bất thoái giả (người tâm không thoái lui),
-         Kiên chấp trì (người giữ gìn chắc chắn),
-         Thường tập giả (người thường tu tập),
-         Bất phóng dật giả (người không buông lung),
-         Hòa hiệp giả (người hòa hợp),
-         Tư lương giả (người suy xét),
-         Ức niệm giả (người nhớ nghĩ),
-         Giác giả (người tỉnh giác),
-         Tri giả (người biết),
-         Minh giả (người sáng suốt),
-         Tuệ giả (người trí tuệ),
-         Thọ giả (người lãnh thọ),
-         Tư duy giả (người tư duy),
-         Phạm hạnh giả (người phạm hạnh),
-         Niệm xứ giả (người có niệm xứ),
-         Chánh cần giả (người có chánh cần),
-         Như ý túc (người được như ý túc),
-         Căn giả (người được căn),
-         Lực giả (người được lực),
-         Giác phần giả (người được giác phần),
-         Đạo phần giả (người được đạo phần),
-         Chỉ giả (người được chỉ),
-         Quán giả (người được quán),
-         Niệm thân giả (người được niệm thân),
-         Chánh ức niệm (người được chánh ức niệm).

KINH 186. CHỈ

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Như có người bị lửa đốt đầu và áo, phải làm sao để cứu?”
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
‘Bạch Thế Tôn, phải gấp rút, nhanh chóng, nỗ lực tìm cách để dập tắt nó.”
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Đầu và áo bị đốt cháy còn có thể tạm quên đi được, còn lửa vô thường mà hừng hực thì cần phải đoạn trừ tận diệt. Vì để đoạn trừ lửa vô thường, nên tu chỉ. Vậy để đoạn trừ những pháp vô thường nào phải tu chỉ? Đoạn trừ sắc vô thường nên tu chỉ; đoạn trừ thọ, tưởng, hành, thức vô thường nên tu chỉ.”
Chi tiết như trên (kinh 175)... cho đến:
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Như kinh dạy về vô thường, quá khứ là vô thường, vị lai là vô thường, hiện tại là vô thường; quá khứ, vị lai là vô thường; quá khứ, hiện tại là vô thường; vị lai, hiện tại là vô thường; quá khứ, vị lai, hiện tại là vô thường, tám kinh cũng dạy như trên vậy.
Như tám kinh dạy về tu chỉ, tám kinh dạy về tu quán cũng dạy như trên vậy.
Như mười sáu kinh dạy về nên đoạn trừ, trong mỗi một kinh của mười sáu kinh dạy về nên hiểu biết, nên nhàm chán, nên dứt trừ, nên dừng nghỉ, nên buông xả, nên diệt tận, nên dứt bặt cũng dạy như trên vậy.
“Những gì thuộc về sắc, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; tất cả chúng chẳng phải ngã, chẳng phải khác ngã, chẳng ở trong nhau, phải biết như thật và đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy. Đa văn Thánh đệ tử phải chánh quán như vậy, đối với sắc sẽ sanh ra nhàm chán, đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng sanh ra nhàm chán. Khi đã nhàm chán rồi thì sẽ không thích, vì đã không thích nên giải thoát, giải thoát tri kiến: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa’.”[92]
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật đã dạy, vui mừng thực hành theo.
 
Như kinh dạy về vô thường, cũng vậy đối với dao động, chuyển xoay (toàn chuyển), lao hạch, phá hoại, bệnh dật dờ, hủ bại, nguy đốn, không thường, không an, biến đổi, khổ não, tai hoạn, ma tà, ma thế, ma khí, như bọt nước, như bong bóng, như cây chuối, như huyễn; yếu kém, tham đắm, đánh giết, đao kiếm, ganh ghét, tàn sát nhau, tổn giảm, hao suy, trói buộc, đánh đập, ghẻ chóc, ung nhọt, gai nhọn, phiền não, trách phạt, che giấu, chỗ tai hại, buồn rầu, ác tri thức; khổ, không, chẳng phải ngã, chẳng phải những gì thuộc về ngã, oan gia, xích trôi, chẳng phải nghĩa, chẳng phải an ủi, nhiệt não, không bóng mát, không hòn đảo, không che, không nương tựa, không bảo vệ; pháp sanh, pháp già, pháp bệnh, pháp chết, pháp ưu bi, pháp khổ não, pháp không sức, pháp yếu kém, pháp không thể muốn, pháp dụ dẫn, pháp nuôi dưỡng, có pháp khổ, pháp có giết, pháp có não, pháp có nhiệt, pháp có tướng, pháp có thổi, pháp có giữ, pháp thâm hiểm, pháp khó khăn, pháp bất chánh, pháp hung bạo, pháp có tham, pháp có nhuế (sân), pháp có si, pháp không trụ, pháp đốt cháy, pháp chướng ngại, pháp tai ương, pháp tập hợp, pháp tiêu diệt, pháp đống xương, pháp cục thịt, pháp cầm đuốc, pháp hầm lửa, như rắn độc, như mộng, như đồ vay mượn, như trái cây, như kẻ mổ trâu (đồ tể), như kẻ giết người, như sương dính, như nước sâu, như dòng chảy siết, như sợi dệt, như bánh xe đạp nước, như gậy sào, như bình độc, như thân độc, như hoa độc, như trái độc, phiền não xung động cũng như vậy.
Cho đến: đoạn trừ quá khứ, vị lai, hiện tại là vô thường, phải tu chỉ quán. Vậy muốn đoạn trừ những pháp nào trong quá khứ, vị lai, hiện tại là vô thường cho đến dứt bặt, để phải tu chỉ quán? Vì muốn đoạn trừ sắc quá khứ, vị lai, hiện tại là vô thường, cho đến khi dứt bặt nên tu chỉ quán. Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy. Cho nên những gì thuộc về sắc, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; tất cả chúng chẳng phải là ngã, chẳng phải khác ngã, chẳng ở trong nhau phải biết như thật. Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy.
“Đa văn Thánh đệ tử phải quán như vậy, đối với sắc sẽ sanh ra nhàm chán và đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng sanh ra nhàm chán. Vì đã nhàm chán nên sẽ không thích, vì đã không thích nên sẽ được giải thoát, giải thoát tri kiến: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật đã dạy, vui mừng thực hành theo.

KINH 190. TRI (1)[5]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Nếu đối với mắt mà không phân biệt, không biết rõ, không đoạn trừ, không ly dục[6], thì không thể có khả năng hoàn toàn diệt tận khổ. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như vậy. Này các Tỳ-kheo, đối với mắt hoặc phân biệt, hoặc biết rõ, hoặc đoạn trừ, hoặc ly dục, thì có thể chân chánh diệt tận khổ. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý hoặc phân biệt, hoặc biết rõ, hoặc đoạn trừ, hoặc xa lìa dục, thì có thể có khả năng hoàn toàn diệt tận khổ.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành. 


KINH 194. SANH HỶ[11]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Ai ở nơi mắt mà sanh hỷ, thì đối với khổ cũng sanh hỷ[12]. Ai đối với khổ mà sanh hỷ, Ta nói người đó không thể giải thoát khổ. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý mà sanh hỷ, thì đối với khổ cũng sẽ sanh hỷ. Ai đối với khổ mà sanh hỷ, Ta nói người đó không thể giải thoát khổ.
“Này các Tỳ-kheo, ai đối với mắt mà không sanh hỷ, thì đối với khổ cũng không sanh hỷ. Ai đối với khổ mà không sanh hỷ, Ta nói người đó có thể giải thoát khổ. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý mà không sanh hỷ, thì đối với khổ cũng không sanh hỷ. Ai đối với khổ mà không sanh hỷ, Ta nói người đó có thể giải thoát khổ.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành. 

KINH 197. THỊ HIỆN[37]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong Chi-đề Thị-lợi-sa, tại Già-xà[38], cùng với một ngàn vị Tỳ-kheo mà trước kia là những Bà-la-môn bện tóc.
Bấy giờ Đức Thế Tôn vì một ngàn vị Tỳ-kheo thị hiện ba sự giáo hóa[39]. Những gì là ba? Đó là, thị hiện thần túc biến hóa, thị hiện tha tâm, thị hiện giáo giới.
Thị hiện thần túc là, Đức Thế Tôn tùy theo sự thích hợpï mà thị hiện nhập thiền định chánh thọ[40]; vượt qua hư không đến phương Đông hiện bốn oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi; vào hỏa tam-muội[41], rồi cho ra ánh lửa màu xanh, vàng, đỏ, trắng, hồng, pha lê; cả nước, lửa đều hiện; hoặc dưới thân ra lửa, trên thân ra nước, hoặc trên thân ra lửa, dưới thân ra nước, bốn phía chung quanh lại cũng như vậy. Thế Tôn sau khi thị hiện thần biến rồi, trở lại ngồi giữa đại chúng, đó gọi là thị hiện thần túc.
Thị hiện tha tâm là, như tâm người kia, tự thân an trú và chứng nghiệm, biết rằng ý của người kia như vậy, thức của người kia như vậy, người kia đang nghĩ như vậy, hay không đang nghĩ như vậy, đang xả như vậy. Đó gọi là thị hiện tha tâm.
Thị hiện giáo giới là, như Thế Tôn nói: ‘Này các Tỳ-kheo, tất cả bị thiêu đốt[42]. Thế nào tất cả bị thiêu đốt? Mắt bị thiêu đốt. Sắc, nhãn thức, nhãn xúc và thọ với cảm thọ khổ, cảm thọ lạc, hay cảm thọ không khổ không lạc, phát sanh bởi nhân duyên là nhãn xúc, tất cả đều bị thiêu đốt. Cũng vậy, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, bị thiêu đốt; pháp, ý thức, ý xúc và thọ với cảm thọ khổ, cảm thọ lạc, hay cảm thọ không khổ không lạc, phát sanh bởi nhân duyên là ý xúc tất cả cũng bị thiêu đốt. Bị cái gì thiêu đốt? Bị lửa tham thiêu đốt, lửa nhuế thiêu đốt, lửa si thiêu đốt, lửa sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não thiêu đốt.”
Bấy giờ, một ngàn vị Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật đã dạy, không còn khởi lên các lậu hoặc, tâm được giải thoát.
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.  


KINH 204. NHƯ THẬT TRI KIẾN[72]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Am-la của thầy thuốc Kỳ-bà Câu-ma-la[73] tại Tỳ-xá-ly. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo Tôn giả A-nan:
“Đối với mắt, hãy biết như thật, thấy như thật. Hoặc sắc, nhãn thức, nhãn xúc, cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ, không khổ không lạc thọ, phát sanh bởi nhân duyên là nhãn xúc, hãy biết như thật, thấy như thật. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như vậy. Khi đã biết như thật về chúng, đã thấy như thật về chúng rồi, đối với mắt sanh ra nhàm tởm. Đối với sắc, nhãn thức, nhãn xúc, cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ, không khổ không lạc thọ, phát sanh bởi nhân duyên là nhãn xúc, cũng sanh ra nhàm tởm. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như vậy. Do nhàm tởm mà không ái lạc. Do không ái lạc mà được giải thoát, giải thoát tri kiến: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành. 

KINH 210. ĐỊA NGỤC[91]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Am-la của thầy thuốc Kỳ-bà Câu-ma-la tại Tỳ-xá-ly[92]. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Chớ lạc, chớ khổ[93]. Vì sao? Có địa ngục gọi là Sáu xúc nhập xứ[94]. Chúng sanh sanh ở trong địa ngục này, mắt chỉ thấy sắc không đáng ưa, chứ không thấy sắc đáng ưa; chỉ thấy sắc không đáng tưởng nhớ, chứ không thấy sắc đáng được tưởng nhớ; chỉ thấy sắc không lành, chứ không thấy sắc lành. Vì những nhân duyên này nên chỉ một mực nhận lãnh buồn khổ mà thôi. Tai đối với âm thanh, mũi đối với mùi, lưỡi đối với vị, thân đối với xúc, ý thức đối pháp cũng chỉ thấy không đáng yêu, chứ không thấy đáng yêu; chỉ thấy việc không đáng nhớ, chứ không thấy đáng nhớ; chỉ thấy pháp không lành, chứ không thấy pháp lành. Vì những nguyên nhân này nên luôn luôn phải chịu buồn khổ.
“Này các Tỳ-kheo, có cõi trời gọi là Sáu xúc nhập xứ[95]. Chúng sanh sanh vào nơi này, mắt chỉ thấy sắc đáng yêu, chứ không thấy sắc không đáng yêu; chỉ thấy sắc đáng nhớ, chứ không thấy sắc không đáng nhớ; chỉ thấy sắc lành, chứ không thấy sắc không lành. Vì những nguyên nhân này, nên luôn luôn chỉ cảm nhận vui thích mà thôi. Và tai đối với âm thanh, mũi đối với mùi, lưỡi đối với vị, thân đối với xúc, ý thức đối với pháp là đáng yêu, chứ không phải không đáng yêu; là đáng nhớ, chứ không phải không đáng nhớ; là lành, chứ không phải là không lành.
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
*



KINH 229. HỮU LẬU VÔ LẬU

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Nay Ta sẽ nói về pháp hữu lậu và pháp vô lậu. Vậy, thế nào là pháp hữu lậu? Sắc, nhãn thức và cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ và phi khổ phi lạc thọ được cảm thọ bên trong phát sanh bởi nhân duyên nhãn xúc. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý, pháp, ý thức, ý xúc và cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ và phi khổ phi lạc thọ được cảm thọ bên trong phát sanh bởi nhân duyên ý xúc; thuộc thế tục, nên gọi là pháp hữu lậu.
“Thế nào là pháp vô lậu? Là vượt ra ngoài thế gian ý, hoặc pháp, ý thức, ý xúc và cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ và phi khổ phi lạc thọ được cảm thọ bên trong phát sanh bởi nhân duyên ý xúc, thuộc xuất thế gian, nên gọi là pháp vô lậu.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét