KINH 2. CHÁNH TƯ DUY[7]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại
vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn nói với các
Tỳ-kheo:
“Đối với sắc, các ông
hãy tư duy chân chánh, quán sát và biết một cách như thật sắc là vô
thường. Vì sao vậy? Vì Tỳ-kheo, đối với sắc mà tư duy chân chánh, quán sát
và biết một cách như thật sắc là vô thường, thì đối với sắc, dục tham được
đoạn trừ. Do dục tham được đoạn trừ mà nói là tâm giải thoát.
“Cũng vậy, đối với thọ, tưởng, hành,
thức các ông hãy tư duy chân chánh, quán sát và biết một cách như thật...
thức là vô thường. Vì sao vậy? Vì Tỳ-kheo, đối với thức mà tư duy chân
chánh, quán sát và biết một cách như thật... thức là vô thường, thì đối
với thức, dục tham được đoạn trừ. Do dục tham được đoạn trừ mà nói là tâm
giải thoát.
“Như vậy, Tỳ-kheo, nếu
muốn tự chứng tâm giải thoát này thì có thể tự chứng, biết rằng: ‘Ta, sự
sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong và tự biết
không còn tái sanh đời sau nữa.’
“Cũng như tư duy chân
chánh về vô thường, khổ, không, phi ngã cũng như vậy.”
Bấy giờ, các Tỳ-kheo
sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 5. VÔ TRI (3)[12]
Tôi
nghe như vầy:
Một
thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế
Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Ai
đối với sắc mà yêu thích[13],
thì đối với khổ cũng yêu thích. Đối với khổ mà yêu thích, thì đối với khổ
sẽ không được giải thoát, không rõ, không ly dục.
“Cũng vậy, đối với thọ,
tưởng, hành, thức mà yêu thích, thì cũng yêu thích khổ. Ai yêu thích khổ,
thì đối với khổ không được giải thoát.
“Này
các Tỳ-kheo, ai đối với sắc không yêu thích, thì đối với khổ cũng không
thích. Ai đối với khổ không thích, thì đối với khổ sẽ được giải thoát.
“Cũng vậy, ai đối với thọ,
tưởng, hành, thức không yêu thích, thì đối với khổ cũng không thích. Ai
đối với khổ không thích, thì đối với khổ sẽ được giải thoát.
“Này
các Tỳ-kheo, đối với sắc không biết, không rõ, không lìa tham dục, tâm
không giải thoát. Ai không giải thoát tâm tham, thì sẽ không thể đoạn trừ
được khổ não.
“Cũng
vậy, đối với thọ, tưởng, hành, thức ai không biết, không rõ, không ly dục,
tâm không giải thoát. Tham tâm không giải thoát, thì sẽ không đoạn trừ
được khổ não.
“Đối
với sắc, nếu người nào biết, rõ, lìa tham dục, tâm giải thoát, thì sẽ có
thể đoạn trừ được khổ não.
“Cũng
vậy, đối với thọ, tưởng, hành, thức nếu biết, rõ, lìa tham dục, tâm giải
thoát, thì có thể đoạn trừ khổ não.”
Bấy
giờ, các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 9. YỂM LY[18]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại
vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các
Tỳ-kheo:
“Sắc là vô thường. Vô
thường tức là khổ. Khổ tức là chẳng phải ta. Cái gì chẳng phải ta thì cũng
chẳng phải sở hữu của ta[19].
Quán sát như vậy gọi là chân thật chánh quán[20].
“Cũng vậy, thọ, tưởng,
hành, thức là vô thường. Vô thường tức là khổ. Khổ tức chẳng phải ta. Cái
gì chẳng phải ta thì cũng chẳng phải sở hữu của ta. Quán sát như vậy gọi
là chân thật chánh quán.
“Thánh đệ tử quán sát như vậy thì sẽ
nhàm tởm sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Do nhàm tởm nên không ham muốn[21],
vì không ham muốn nên được giải thoát. Đối với giải thoát, trí chân thật
phát sanh[22],
biết rằng: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã
làm xong, tự biết sẽ không tái sanh đời sau nữa.’”
Bấy giờ, các Tỳ-kheo
sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 13. VỊ (1)[28]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại
vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các
Tỳ-kheo:
“Nếu chúng sanh nào
không nếm vị ngọt của sắc thì sẽ không nhiễm đắm sắc[29].
Vì chúng sanh nếm vị ngọt của sắc cho nên bị đắm trước.
“Cũng vậy, chúng sanh
nào không nếm vị ngọt của thọ, tưởng, hành, thức thì chúng sanh ấy không
bị đắm nhiễm thức. Vì chúng sanh nếm vị ngọt của thọ, tưởng, hành, thức
cho nên chúng sanh ấy bị nhiễm trước vào thức.
“Này các Tỳ-kheo, nếu
sắc đối với chúng sanh không phải là sự tai hại[30],
thì chúng sanh ấy không nên nhàm chán sắc. Vì sắc là mối hại của chúng
sanh cho nên những chúng sanh ấy nhàm chán sắc.
“Cũng vậy, đối với
thọ, tưởng, hành, thức nếu không phải là mối hại thì chúng sanh ấy không
nên nhàm chán thức. Vì thọ, tưởng, hành, thức là mối hại của chúng sanh,
cho nên những chúng sanh ấy nhàm chán thức.
“Này các Tỳ-kheo, nếu
sắc đối với chúng sanh mà không có sự xuất ly[31],
thì những chúng sanh ấy không nên thoát ly sắc. Vì sắc đối với chúng sanh
có sự xuất ly, cho nên những chúng sanh ấy thoát ly sắc.
“Cũng vậy, nếu thọ,
tưởng, hành, thức đối với chúng sanh không có sự xuất ly, thì những chúng
sanh ấy không nên thoát ly thức. Vì thọ, tưởng, hành, thức đối với chúng
sanh có sự xuất ly, cho nên những chúng sanh ấy thoát ly thức.
“Này các Tỳ-kheo, nếu
Ta đối với năm thọ ấm[32]
này mà không biết một cách như thạât vị ngọt là vị ngọt, tai hại là tai
hại, xuất ly là xuất ly, thì Ta ở giữa chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn,
Bà-la-môn và các chúng trời, người đã không thể tự chứng, không được
thoát, không vượt ra, không xa lìa, vĩnh viễn an trú trong sự điên đảo,
cũng không thể tự mình chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác[33].
“Này các Tỳ-kheo, vì
Ta đã biết năm thọ ấm này một cách như thật rằng vị ngọt là vị ngọt, tai
hại là tai hại, xuất ly là xuất ly, nên Ta ở giữa chư Thiên, Ma, Phạm,
Sa-môn, Bà-la-môn và các chúng trời, người đã có thể tự chứng, đã thoát,
đã vượt ra, đã xa lìa, vĩnh viễn không an trú trong sự điên đảo, cũng có
thể tự mình chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.”
Bấy giờ, các Tỳ-kheo
sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 28. NIẾT-BÀN[77]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại
vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có một Tỳ-kheo khác,
đến chỗ Đức Phật, đầu mặt lạy sát chân Phật, rồi đứng qua một bên, bạch
Phật rằng:
“Bạch Thế Tôn, như Thế
Tôn nói ‘chứng đắc Niết-bàn ngay trong hiện tại[78].’
Vậy, thế nào là Tỳ-kheo chứng đắc Niết-bàn ngay trong hiện tại?”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Lành thay! Lành thay!
Nay ngươi muốn biết về sự ‘chứng đắc Niết-bàn ngay trong hiện tại’ phải
không?”
Tỳ-kheo bạch Phật:
“Thưa vâng, bạch Thế
Tôn.”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Hãy lắng nghe và suy
nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ngươi mà nói.
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Đối với sắc mà sanh
tâm yểm ly, ly dục, diệt tận, không khởi lên các lậu, tâm giải thoát chân
chánh, thì đó gọi là Tỳ-kheo chứng đắc Niết-bàn ngay trong hiện tại[79].
Cũng vậy, đối với thọ, tưởng, hành, thức mà sanh tâm yểm ly, ly dục, diệt
tận, không khởi lên các lậu, tâm giải thoát chân chánh, thì đó gọi là
Tỳ-kheo chứng đắc Niết-bàn ngay trong hiện tại.”
Tỳ-kheo kia sau khi
nghe những lời Phật dạy, phấn khởi vui mừng, lạy Phật mà lui.
KINH 29. TAM-MẬT-LY-ĐỀ VẤN THUYẾT PHÁP SƯ[80]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại
vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Tỳ-kheo tên là
Tam-mật-ly-đề đến chỗ Đức Phật, đầu mặt lạy sát chân Phật, rồi đứng qua
một bên, bạch Phật rằng:
“Như Thế Tôn nói
‘Thuyết pháp sư.’ Vậy, thế nào gọi là Thuyết pháp sư?”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Nay ngươi muốn biết
về nghĩa Thuyết pháp sư phải không?”
Tỳ-kheo bạch Phật:
“Thưa vâng, bạch Thế
Tôn.”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Hãy lắng nghe và suy
nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ngươi mà nói.
“Nếu Tỳ-kheo nào, đối
với sắc mà nói yểm ly, ly dục, diệt tận, thì đó gọi là Thuyết pháp sư.
Cũng vậy, đối với thọ, tưởng, hành, thức mà nói yểm ly, ly dục, diệt tận,
thì đó gọi là Thuyết pháp sư.”
Tỳ-kheo kia sau khi
nghe những gì Phật dạy, phấn khởi vui mừng, lạy Phật mà lui.
Kệ tóm tắt:
Đa văn, thiện thuyết pháp,
Hướng pháp và Niết-bàn.
Tam-mật-ly-đề hỏi:
Thế nào, Thuyết pháp sư?
KINH 32. THÂU-LŨ-NA (3)[86]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại
vườn Trúc, khu Ca-lan-đà trong thành Vương xá. Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất
ở trong núi Kỳ-xà-quật.
Lúc ấy có con của một
trưởng giả tên là Thâu-lũ-na, hằng ngày du hành đến núi Kỳ-xà-quật và ghé
chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất, sau khi chào đón thăm hỏi rồi, ngồi qua một bên.
Bấy giờ, Tôn giả
Xá-lợi-phất nói với Thâu-lũ-na:
“Nếu có Sa-môn,
Bà-la-môn nào mà không biết như thật về sắc, không biết như thật về sự tập
khởi của sắc, không biết như thật về sự diệt tận của sắc, không biết như
thật về vị ngọt của sắc, không biết như thật về sự tai hại của sắc, không
biết như thật về sự xuất ly của sắc, thì sẽ không đủ khả năng để siêu việt
sắc. Cũng vậy, nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nào mà không biết như thật về sự
thọ, tưởng, hành và thức; không biết như thật về sự tập khởi của chúng,
không biết như thật về sự diệt tận của chúng, không biết như thật về vị
ngọt của chúng, không biết như thật về sự tai hại của chúng, không biết
như thật về sự xuất ly của chúng, thì Sa-môn, Bà-la-môn này sẽ không đủ
khả năng để siêu việt chúng.
“Nếu có
Sa-môn, Bà-la-môn nào mà biết như thật về sắc, về sự tập khởi của sắc, về
sự diệt tận của sắc, về vị ngọt của sắc, về sự tai hại của sắc, về sự xuất
ly của sắc, thì Sa-môn, Bà-la-môn này có đủ khả năng vượt qua khỏi sắc.
Cũng vậy, nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nào mà biết như thật về thọ, tưởng,
hành và thức, về sự tập khởi của chúng, về sự diệt tận của chúng, về vị
ngọt của chúng, về sự tai hại của chúng, về sự xuất ly của chúng, thì
Sa-môn, Bà-la-môn này có đủ khả năng siêu việt khỏi chúng.
“Này
Thâu-lũ-na, ý ông thế nào? Sắc là thường hay vô thường?”
Đáp:
“Là vô thường.”
“Vậy vô thường là khổ
phải không?”
Đáp:
“Là khổ.”
“Này Thâu-lũ-na, nếu
sắc vô thường là khổ, thì nó là pháp biến dịch. Thánh đệ tử ở trong đó có
nên thấy có ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?”
Đáp:
“Không.”
“Này Thâu-lũ-na, ý ông
thế nào? Như vậy thọ, tưởng, hành, thức là thường hay vô thường?”
Đáp:
“Là vô thường.”
“Vậy vô thường là khổ
phải không?”
Đáp:
“Là khổ.”
“Này Thâu-lũ-na, nếu
vô thường là khổ, thì nó là pháp biến dịch. Thánh đệ tử ở trong đó có nên
cho là có ngã, khác ngã, ở trong nhau không?”
Đáp:
“Không.”
“Này Thâu-lũ-na, nên biết rằng đối với
sắc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô,
hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; tất cả những sắc này không
phải là ngã, không phải khác ngã, không ở trong nhau. Đó gọi là biết như
thật.
“Này
Thâu-lũ-na, cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức hoặc quá khứ, hoặc vị lai,
hoặc hiện tại; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc
xấu; hoặc xa, hoặc gần; tất cả chúng không phải là ngã, không khác ngã,
không ở trong nhau. Đó gọi là biết như thật.
“Này Thâu-lũ-na, là
Thánh đệ tử đối với năm thọ ấm này phải quán chân chánh là chẳng phải ngã,
chẳng phải sở hữu của ngã. Quán sát chân chánh như vậy đối với thế gian
không có gì để nhiếp thọ. Khi không có gì để nhiếp thọ, thì sẽ không có gì
để chấp trước. Khi đã không có gì để chấp trước, thì sẽ tự đạt được
Niết-bàn: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm
xong, tự biết sẽ không còn tái sanh đời sau nữa.’
Khi Thâu-lũ-na con của
một trưởng giả đã được nghe những gì Tôn giả Xá-lợi-phất dạy rồi, phấn
khởi vui mừng, làm lễ mà lui.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét