Thứ Bảy, 13 tháng 10, 2012

Tuyển chọn Tạp A Hàm - Quyển 3 và 4


Kinh 61. Phân Biệt (1)[4]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ kheo:
“Có năm thọ ấm. Những gì là năm? Sắc, thọ, tưởng, hành, thức thọ ấm.
“Thế nào là sắc thọ ấm? Những gì là sắc, tất cả chúng đều là bốn đại, và sắc do bốn đại tạo; đó gọi là sắc thọ ấm. Lại nữa, sắc kia là vô thường, khổ, là pháp biến dịch. Nếu sắc thọ ấm này vĩnh viễn bị đoạn trừ không dư tàn, rốt ráo xả ly, diệt tận, ly dục, tịch diệt, và các sắc thọ ấm khác không tương tục, không xuất hiện, không khởi lên, thì đó gọi là vi diệu, cũng gọi là tịch tĩnh, cũng gọi là xả ly tất cả hữu dư, ái tận, vô dục, diệt tận, Niết-bàn.
“Thế nào là thọ thọ ấm? Ðó là sáu thọ thân. Những gì là sáu? Thọ phát sanh do xúc con mắt; thọ phát sanh do xúc của tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Ðó gọi là thọ thọ ấm. Lại nữa, thọ thọ ấm này là vô thường, khổ, là pháp biến dịch, cho đến, diệt tận, Niết-bàn.
“Thế nào là tưởng thọ ấm? Ðó là sáu tưởng thân. Những gì là sáu? Tưởng phát sanh do xúc con mắt; cho đến, tưởng phát sanh do xúc của ý. Ðó gọi là tưởng thọ ấm. Lại nữa, tưởng thọ ấm này là vô thường, khổ, là pháp biến dịch, cho đến, diệt tận, Niết-bàn.
“Thế nào là hành thọ ấm? Ðó là sáu tư thân. Những gì là sáu? Tư phát sanh do xúc con mắt; cho đến, tư phát sanh do xúc của ý. Ðó gọi là hành thọ ấm. Lại nữa, hành thọ ấm này là vô thường, khổ, là pháp biến dịch, cho đến, diệt tận, Niết-bàn.
Thế nào là thức thọ ấm? Ðó là sáu thức thân. Những gì là sáu? Thức thân con mắt; cho đến ý thức thân, đó gọi là thức thọ ấm. Lại nữa, thức thọ ấm này là vô thường, khổ, là pháp biến dịch, cho đến, diệt tận, Niết-bàn.
“Này các Tỳ kheo, nếu đối với pháp này mà dùng trí tuệ tư duy, quán sát, phân biệt, nhẫn thọ, đó gọi là tùy tín hành, siêu thăng, ly sanh[5], vượt qua khỏi địa vị phàm phu. Nếu chưa đạt được quả Tu-đà-hòan, mà nửa chừng không chết, thì chắc chắn sẽ đạt được quả Tu-đà-hòan.
“Này các Tỳ kheo, nếu đối với pháp này, mà bằng tăng thượng trí tuệ, tư duy quán sát, nhẫn, thì đó gọi là tùy pháp hành, siêu thăng, ly sanh, vượt qua khỏi địa vị phàm phu. Nếu chưa đạt được quả Tu-đà-hòan, mà nửa chừng không chết, thì chắc chắn sẽ đạt được quả Tư-đà-hòan.
“Này Tỳ kheo, đối với pháp này nếu bằng trí tuệ chân chánh mà quán sát[6] như thật, ba kết được biết là hoàn toàn đoạn trừ [7]; đó là, thân kiến, giới thủ, nghi. Tỳ kheo, đó gọi là quả Tu-đà-hòan, sẽ không rơi vào đường ác, quyết định thẳng đến Chánh giác[8], bảy lần sanh qua lại giữa Trời-người, cuối cùng sẽ cứu cánh biên tế của khổ.
“Này Tỳ kheo, đối với pháp này nếu dùng trí tuệ chân chánh mà quán sát như thật, tâm sẽ không khởi lên lậu hoặc, thì gọi là A-la-hán. Khi các lậu đã sạch rồi, thì những gì cần làm đã làm xong, trút bỏ gánh nặng, đạt được mục đích của mình[9], các kết sử hữu[10] dứt sạch, chánh trí, tâm đạt được giải thóat.”
Bấy giờ, các Tỳ kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành. 

Kinh 65. Thọ[26]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ kheo:
“Nên luôn luôn tu tập phương tiện thiền tư[27], cho trong tâm mình tĩnh lặng. Vì sao? Vì Tỳ kheo luôn tu tập phương tiện thiền tư, thì trong tâm mình sẽ được tĩnh lặng, nên quán sát như thật. Thế nào là quán sát như thật? Ðây là sắc, đây là sự tập khởi của sắc, đây là sự diệt tận của sắc; đây là thọ, tưởng, hành, thức, đây là sự tập khởi của …… thức, đây là sự đoạn tận của …… thức.
“Thế nào là sự tập khởi của sắc? sự tập khởi của thọ, tưởng, hành, thức? Phàm phu ngu si vô học nên đối với các thọ khổ, vui, không khổ-không vui, không quán sát như thật rằng đây là sự tập khởi của thọ, sự diệt tận của thọ, vị ngọt của thọ, sự tai hại của thọ, sự xuất ly của thọ. Vì không biết quán sát như thật, nên đối với thọ lại ưa thích tham đắm mà sanh ra chấp thủ, và thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não; khối lớn đau khổ như vậy từ tập mà sanh. Ðó gọi là sự tập khởi của sắc. Ðó là sự tập khởi của thọ, tưởng, hành, thức.
“Thế nào là sự diệt tận của sắc? Sự diệt tận của thọ, tưởng, hành, thức? Ða văn Thánh đệ tử đối với các thọ khổ, vui, không khổ-không vui, quán sát như thật rằng đây là sự tập khởi của thọ, sự diệt tận của thọ, vị ngọt của thọ, sự tai hại của thọ, sự xuất ly của thọ. Vì quán sát như thật nên đối với thọ sự ưa thích đắm trước bị đọan trừ. Vì sự đắm trước đã bị đọan trừ, nên chấp thủ cũng bị diệt. Vì thủ đã bị diệt, nên hữu cũng bị diệt. vì hữu đã bị diệt, nên sanh cũng bị diệt. Vì sanh đã bị diệt, cho nên lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não cũng bị diệt; khối lớn đau khổ như vậy tất cả đều diệt. Ðó gọi là sắc diệt. Ðó gọi là thọ, tưởng, hành, thức diệt. Cho nên này Tỳ kheo, hãy luôn luôn tu tập phương tiện thiền tư, cho tâm mình luôn tĩnh lặng. Tỳ kheo nào trụ vào thiền tư, thì bên trong tâm luôn tĩnh lặng. Hãy nổ lực siêng năng phương tiện quán sát như thật.”
Bấy giờ, các Tỳ kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.


Kinh. 68 Lục Nhập Xứ[31]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ kheo:
“Nên thường xuyên tu tập phương tiện thiền tư, để cho nội tâm được tĩnh lặng, thì mới quán sát như thật. Thế nào là quán sát như thật? Biết như thật đây là sắc; đây là sự tập khởi của sắc, sự diệt tận của sắc; và đây là thọ, tưởng, hành, thức; đây là sự tập khởi của …… thức, sự diệt tận của …… thức.
“Thế nào là sự tập khởi của sắc? sự tập khởi của thọ, tưởng, hành, thức? Do duyên mắt và sắc nên thức của mắt sanh; ba sự hòa hợp sanh xúc; duyên xúc sanh thọ, duyên thọ sanh ái, cho đến thuần khối lớn đau khổ sanh. Ðó gọi là sự tập khởi của sắc. Duyên tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng như vậy. Do duyên ý và pháp, thức của ý sanh; ba sự hòa hiệp sanh xúc, duyên xúc sanh thọ, duyên thọ sanh ái. Như vậy, cho đến thuần khối lớn đau khổ sanh. Ðó gọi là sự tập khởi của sắc, là sự tập khởi của thọ, tưởng, hành, thức.
“Thế nào là sự diệt tận của sắc? sự diệt tận của thọ, tưởng, hành, thức? Do duyên mắt và sắc nên thức của mắt sanh; ba sự hòa hợp sanh xúc. Khi xúc diệt thì thọ diệt, cho đến thuần khối lớn đau khổ diệt. Duyên tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng như vậy. Do duyên ý và pháp, thức của ý sanh; ba sự hòa hợp sanh xúc. Khi xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt …… cho đến thuần khối lớn đau khổ diệt. Ðó gọi là sự diệt tận của sắc là sự diệt tận của thọ, tưởng, hành, thức. Cho nên này các Tỳ kheo, nên thường xuyên tu tập phương tiện thiền tư, để cho nội tâm được tĩnh lặng.”
Bấy giờ, các Tỳ kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Cũng như Kinh quán sát, cũng vậy, cho đến Kinh Tác chứng, gồm 12, cũng cần diễn rộng.
Bài kệ tóm tắt
Thọ và sanh và lạc,
Cũng nói lục nhập xứ,
Mỗi một mười hai thứ,
Kinh thiền định tam muội.

Kinh 72. Tri Pháp[45]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ kheo:
“Ta sẽ nói về các pháp sở tri, trí và trí giả.[46] Hãy lắng nghe, và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ngươi mà nói.
“Thế nào là các pháp đã sở tri? Là năm thọ ấm, đó là: Sắc thọ ấm, và thọ, tưởng, hành, thức thọ ấm. Ðó gọi là những pháp sở tri.
“Thế nào là trí? Là sự điều phục dục tham, đoạn trừ dục tham, siêu việt dục tham. Ðó gọi là trí.
“Thế nào gọi là trí giả? Ðó là A-la-hán. A-la-hán chẳng phải tồn tại sau khi chết, chẳng phải không, chẳng phải có không tồn tại sau khi chết, chẳng phải chẳng có không tồn tại sau khi chết. Nói rộng ra vô lượng, các số đã vĩnh viễn dứt sạch. Ðó gọi là nói về các pháp sở tri, trí và trí giả.”
Phật nói Kinh này xong, các Tỳ kheo nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.


Kinh 74. Vãng Nghệ[51]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ kheo:
“Có năm thọ ấm, đó là: Sắc thọ ấm, và thọ, tưởng, hành, thức thọ ấm. Phàm phu ngu si không học không biết như thật về sắc, về sự tập khởi của sắc, về sự diệt tận của sắc, về vị ngọt của sắc, về sự tai hại của sắc, về sự xuất ly sắc. Vì không biết như thật, nên đối với sắc có sự thích thú, ngợi khen, đắm trước, bị dính mắc mà trụ; bị trói buộc bởi dây trói của sắc, bị trói buộc bởi dây trói bên trong, không biết nguồn gốc, không biết biên tế, không biết xuất ly.
“Ðó gọi là kẻ phàm phu ngu si không học, vì bị trói buộc nên sanh, vì bị trói buộc nên chết, vì bị trói buộc từ đời này sang đời khác, nên người này sanh ra cũng vì sự trói buộc mà chết đi cũng vì sự trói buộc.
“Ðó gọi là kẻ phàm phu ngu si không học, bị Ma khống chế, vào trong lưới ma, theo ma biến hóa[52], bị ma trói buộc, bị ma lôi kéo. Ðối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.
“Ða văn Thánh đệ tử biết như thật về sắc, về sự tập khởi của sắc, về sự diêt tận của sắc, về vị ngọt của sắc, về sự tai hại của sắc, về sự xuất ly sắc. Vì đã biết như thật, nên không tham vui sắc, không ngợi khen, không bị dính mắc mà trụ; không bị trói buộc bởi dây trói của sắc, không bị trói buộc bởi dây trói bên trong, biết nguồn gốc, biết biên tế, biết xuất ly.
“Ðó gọi là Ða văn Thánh đệ tử, không bị lệ thuộc vào sự trói buộc mà sanh, không bị lệ thuộc vào sự trói buộc mà chết, từ đời này sang đời khác cũng không bị lệ thuộc vào sự trói buộc từ đời này sang đời khác; không Ma khống chế, không bị rơi vào tay ma, không Ma tạo tác[53], không bị ma trói buộc, giải thoát sự trói buộc của ma, lìa khỏi sự dẫn dắt của ma. Ðối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.”
Phật nói Kinh này xong, các Tỳ kheo nghe những gì đức Phật đã dạy, hhoan hỷ phụng hành.


Kinh 75. Quán[54]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ kheo:
“Có năm thọ ấm. Ðó là, sắc thọ ấm. Này Tỳ kheo, đối với sắc nhàm tởm, ly dục, tịch diệt, không làm sanh khởi, giải thoát. Ðó gọi là Như Lai Ứng Ðẳng Chánh Giác. Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức; nhàm tởm, ly dục, tịch diệt, không làm sanh khởi, giải thóat. Ðó gọi là Như Lai Ứng Ðẳng Chánh Giác.
“Lại nữa, Tỳ kheo, đối với sắc nhàm tởm, ly dục, tịch diệt, không làm sanh khởi, giải thóat. Ðó gọi là A-la-hán tuệ giải thoát. Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức; nhàm tởm, ly dục, tịch diệt, không làm sanh khởi, giải thóat. Ðó gọi là A-la-hán tuệ giải thoát.
“Này Tỳ kheo, Như Lai Ứng Ðẳng Chánh Giác và A-la-hán tuệ giải thóat có sự sai biệt nào?”
Các Tỳ kheo bạch Phật:
“Như Lai là gốc của pháp, là con mắt của pháp, là nơi nương tựa của pháp. Cúi xin Ðức Thế Tôn vì các Tỳ kheo mà nói rộng nghĩa này, các Tỳ kheo sau khi nghe xong sẽ thực hành theo.”
Phật bảo các Tỳ kheo:
“Hãy lắng nghe, và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ngươi mà nói.
“Như Lai Ứng Ðẳng Chánh Giác chưa từng nghe pháp nhưng có thể tự mình giác ngộ pháp, tự thông đạt Vô thượng Bồ đề, rồi để giác ngộ cho hàng Thinh văn trong đời vị lai, mà pháp đó là, bốn niệm xứ, bốn chánh cần, bốn như ý túc, năm căn, năm lực, bảy giác, tám Thánh đạo. Này các Tỳ kheo, đó gọi là Như Lai Ứng Ðẳng Chánh Giác đạt được những gì chưa đạt, được những cái lợi chưa từng được lợi, biết đạo, phân biệt đạo, nói đạo, thông suốt đạo; lại có thể thành tựu cho các Thinh văn, truyền dạy, răn bảo; như vậy mà thuận theo thiện pháp, hoan hỷ thiện pháp. Ðó gọi là sự sai biệt giữa Như Lai và A-la-hán.”
Phật nói Kinh này xong, các Tỳ kheo nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.


Kinh 78.Sanh (2)[58]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ kheo:
“Nếu sắc khởi, trụ, xuất thì khổ ở đây khởi, bệnh ở đây trụ, già, chết ở đây xuất. Ðối với thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy.
“Tỳ kheo, nếu sắc diệt, ngừng nghỉ, biến mất thì khổ ở đây diệt, bệnh ở đây dừng, già chết ở đây biến mất. Ðối với thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy.”
Phật nói Kinh này xong, các Tỳ kheo nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

Kinh 80. Pháp Ấn[60]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ kheo:
“Ta sẽ nói về Thánh pháp ấn và kiến thanh tịnh. Hãy lắng nghe, và suy nghĩ kỹ.
“Nếu có Tỳ kheo nào nói như vầy: ‘Tôi đối với tam muội Không[61] chưa có sở đắc, mà khởi Vô tướng, Vô sở hữu, lìa được tri kiến kiêu mạn.’ Thì đừng nên nói như vậy. Vì sao? Vì nếu đối với Không chưa đạt được, mà nói là Tôi đã đạt được Vô tướng, Vô sở hữu, lìa được tri kiến kiêu mạn, thì việc này sẽ không xảy ra.
“Nếu có Tỳ kheo nào nói như vầy, ‘Tôi đã đạt được Không, có khả năng khởi lên Vô tướng, Vô sở hữu, lìa được tri kiến kiêu mạn.’ Thì đây là lời nói chính xác. Vì sao? Vì nếu đã đạt được Không rồi, thì sẽ có khả năng khởi lên Vô tướng, Vô sở hữu, lìa được tri kiến kiêu mạn; điều này chắc chắn có thể xảy ra.
“Thế nào là đối với kiến thanh tịnh của Thánh Ðệ tử?”
Các Tỳ kheo bạch Phật:
“Phật là gốc pháp, là con mắt pháp, là nơi nương tựa của pháp. Cúi xin hãy vì chúng con mà nói. Các Tỳ kheo sau khi nghe pháp xong, sẽ thực hành theo lời dạy.”
Phật bảo các Tỳ kheo:
“Nếu Tỳ kheo nào, ngồi dưới bóng cây, chỗ trống vắng, mà khéo quán sát sắc là vô thường, là pháp ma diệt, ly dục. Cũng vậy, quán sát thọ, tưởng, hành, thức là vô thường, là pháp ma diệt, ly dục. Quán các thọ ấm kia là vô thường, là pháp ma diệt, không bền chắc, biến dịch, thì tâm sẽ được an lạc, thanh tịnh, giải thóat. Ðó gọi là Không. Quán sát như vậy cũng không thể lìa kiêu mạn, nhưng có tri kiến thanh tịnh.
“Lại có tam-muội chánh tư duy, là quán sát sự đoạn tận của tướng sắc, sự đoạn tận của tướng thinh, hương, vị, xúc, pháp. Ðó gọi là vô tướng. Quán sát như vậy cũng chưa lìa kiêu mạn, nhưng có tri kiến thanh tịnh.
“Lại có tam-muội chánh tư duy, là quán sát sự đoạn trừ tướng tham, tướng sân nhuế, tướng ngu si. Ðó gọi là Vô sở hữu. Quán sát như vậy cũng chưa lìa kiêu mạn, nhưng có tri kiến thanh tịnh.
“Lại có tam-muội chánh tư duy, là quán sát ngã và ngã sở từ đâu sanh ra?
“Lại có tam-muội chánh tư duy, là quán sát về ngã, ngã sở từ thấy, nghe, ngửi, nếm, chạm, biết mà sanh ra.
“Lại quán sát, do nhân gì , duyên gì mà thức thức; nhân , duyên của thức kia là thường hay vô thường?
“Lại tư duy do nhân gì , duyên gì mà thức thức; nhân kia, duyên kia của thức đều là vô thường. Lại nữa, nhân kia, duyên kia tất cả đều là vô thường, thức được sanh bởi đó làm sao là thường được? Vô thường là hành của hữu vi, từ duyên khởi, là pháp tai hại, là pháp họai diệt, là pháp ly dục, là pháp đoạn tri[62] Ðó gọi là Thánh pháp ấn, tri kiến thanh tịnh.
“Ðó là nói rằng: ‘Tỳ kheo Ta sẽ nói về Thánh pháp ấn và kiến thanh tịnh.’ Ðược nói rộng như vậy.”
Phật nói Kinh này xong, các Tỳ kheo nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 88. HIẾU DƯỠNG[1]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, cây Kỳ-đà thuộc nước Xá-vệ. Bấy giờ có Bà-la-môn trẻ tuổi tên là Uất-đa-la[2] đến chỗ Đức Phật. Sau khi chào hỏi xong, lui qua ngồi một bên, bạch Phật rằng:
“Bạch Thế Tôn, con thường đi khất thực như pháp, đem cúng dường cho cha mẹ, khiến cho ông bà được an vui, xa lìa khổ. Bạch Thế Tôn, việc làm của con như vậy có nhiều phước không?”
Phật bảo Uất-đa-la:
“Thật có nhiều phước. Vì sao? Vì nếu có người nào khất cầu đúng pháp, để cúng dường cha mẹ, làm cho an vui, trừ khổ não, thì thật là người có phước lớn.”
Bấy giờ, Đức Thế Tôn liền nói bài kệ rằng:
Như ngươi đối cha mẹ,
Cung kính và cúng dường,
Đời này lưu tiếng thơm,
Khi chết được lên trời.
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
 

KINH 91. UẤT-XÀ-CA[9]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ở tại vườn Cấp cô độc, cây Kỳ-đà thuộc nước Xá-vệ. Bấy giờ có Bà-la-môn tuổi trẻ tên là Uất-xà-ca[10] đến chỗ Phật, cúi đầu làm lễ sát chân Phật, rồi lui ngồi qua một bên, bạch Phật rằng:
“Bạch Thế Tôn, người thế tục tại gia nên thực hành bao nhiêu pháp để được lợi ích hiện tại và an lạc ngay hiện tại[11]?”
Phật bảo Bà-la-môn:
“Có bốn pháp giúp cho người thế tục tại gia được lợi ích hiện tại và an lạc ngay hiện tại. Đó là: Phương tiện đầy đủ, Thủ hộ đầy đủ, Thiện tri thức đầy đủ, Chánh mạng đầy đủ.
“Thế nào là Phương tiện đầy đủ[12]? Người thiện nam tự nuôi sống bằng các nghề nghiệp kỹ xảo, như làm ruộng, buôn bán, phục vụ vương sự, chép sách, toán thuật, hội họa. Đối với những nghề nghiệp kỹ xảo đó, luôn tinh tấn siêng năng trau dồi. Đó gọi là Phương tiện đầy đủ.
“Thế nào là Thủ hộ đầy đủ? Người thiện nam có tiền bạc, gạo lúa, do nỗ lực mà thu hoạch, tự tay mình làm ra, đúng như pháp mà có được, tích cực giữ gìn, không để cho vua, giặc, nước, lửa, tước đoạt, hay trôi, chìm, mất mát. Ngược lại, nếu không khéo giữ gìn sẽ tiêu mất; hay nếu không lưu tâm đến chúng, thì sẽ bị người khác chiếm lấy, cùng những tai nạn sẽ làm cho hư hỏng. Đó gọi là người thiện nam khéo thủ hộ.
“Thế nào là Thiện tri thức đầy đủ? Có người thiện nam không mất điều độ, không buông lung, không dối trá, không hung hiểm. Những tri thức như vậy, có khả năng khéo léo an ủi; sự sầu khổ chưa sanh có thể khiến không sanh, sự sầu khổ đã sanh có thể khai mở, tĩnh giác; những điều vui thích chưa sanh có thể khiến sanh nhanh, những điều vui thích đã sanh khiến giữ gìn không để mất. Đó gọi là người thiện nam thiện tri thức đầy đủ.[13]
“Thế nào là Chánh mạng đầy đủ? Người thiện nam có được những tiền của, trong việc chi thu cân đối, bảo quản chu tất, không để cho việc nhập nhiều mà xuất ít, hay xuất nhiều mà nhập ít; như người cầm cân ít thì phải thêm, nhiều thì phải bớt, cho đến lúc nào biết cân bằng thì mới thôi. Như vậy, người thiện nam đã cân đối được tài vật của mình trong khi xuất nhập ngang nhau, không khiến cho nhập nhiều xuất ít, hay xuất nhiều nhập ít. Nếu người thiện nam không có tiền của nhiều mà sử dụng rộng rãi quá trớn, thì do sự sinh hoạt này mà người ta nói là ‘quả ưu-đàm-bát không có hạt giống’[14]; ham muốn ngu si, không biết nghĩ đến sau này. Hoặc có người thiện nam dư dật mà không dám tiêu dùng, mọi người ở gần đều nói: ‘Người ngu si này như con chó chết đói.’ Cho nên người thiện nam, những tiền của có được, nên tự mình cân đối, xuất nhập ngang nhau. Đó gọi là Chánh mạng đầy đủ. Như vậy Bà-la-môn, đây là bốn pháp thành tựu lợi ích hiện tại và an lạc hiện tại.”
Bà-la-môn bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, những người tại gia có bao nhiêu pháp để có thể làm cho lợi ích đời sau, an lạc đời sau?”
Phật bảo Bà-la-môn:
“Có bốn pháp có thể làm cho lợi ích đời sau, an lạc đời sau. Đó là: Tín đầy đủ, Giới đầy đủ, Thí đầy đủ, Tuệ đầy đủ.
“Thế nào là có Đức tin đầy đủ? Đối với Như-lai, người thiện nam có tâm kính tin, gốc rễ tín vững chắc, mà chư Thiên, Ma, Phạm cùng với loài người[15] không thể phá hoại. Đó gọi là người thiện nam có Đức tin đầy đủ.
“Thế nào là có Giới đầy đủ? Người thiện nam không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu. Đó gọi là có Giới đầy đủ.
“Thế nào là có Thí đầy đủ? Người thiện nam với tâm không vấy bẩn bởi sự keo kiệt, sống đời tại gia mà hành bố thí buông xả[16], thường tự tay mình cho, vui vẻ tu hạnh thí xả. Đó gọi là người thiện nam có Thí đầy đủ.
“Thế nào là có Tuệ đầy đủ? Người thiện nam biết như thật về Khổ Thánh đế; biết như thật về Tập, Diệt, Đạo Thánh đế. Đó gọi là người thiện nam có Tuệ đầy đủ.
“Nếu người thiện nam nào ở tại gia đình mà thực hành bốn pháp này, có thể thành tựu lợi ích hiện tại và an lạc hiện tại.”
Bấy giờ Đức Thế Tôn, lại nói kệ rằng:
Phương tiện[17], tạo dựng nghiệp,
Tích tụ phải giữ gìn,
Người thiện nam thân hữu,
Chánh mạng trong tự sống.
Tịnh tín, giới đầy đủ,
Bố thí lìa xan tật,
Thanh tịnh đường thăng tiến
[18],
Đời sau được an lạc.
Nếu sống đời tại gia,
Thành tựu tám pháp này,
Suy nghiệm lời Phật dạy,
Những điều Phật giác tri,
Thì hiện tại an ổn,
Sống hiện tại hỷ lạc,
Đời sau cũng hỷ lạc.
Phật nói kinh này xong, Uất-xà-ca nghe những gì Đức Phật đã dạy, tùy hỷ hoan hỷ, làm lễ rồi lui.

KINH 97. KHẤT THỰC[48]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ở tại vườn Cấp cô độc, cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ vào buổi sáng sớm, Đức Thế Tôn đắp y cầm bát vào thành Xá-vệ khất thực. Lúc ấy có một Bà-la-môn tuổi già sức yếu, chống gậy cầm bát đi khất thực từng nhà. Bà-la-môn này từ xa nhìn thấy Đức Thế Tôn liền tự nghĩ: “Sa-môn Cù-đàm chống gậy bưng bát, đi khất thực từng nhà. Ta cũng chống gậy ôm bát đi khất thực từng nhà. Ta cùng Cù-đàm đều là Tỳ-kheo[49].”
Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ để trả lời:
Được gọi là Tỳ-kheo,
Chẳng chỉ vì khất thực.
Kẻ trì pháp tại gia,
Sao được gọi Tỳ-kheo?
Đã lìa dục tai hại,
Tu tập các chánh hạnh,
Tâm mình không sợ hãi,
Đó gọi là Tỳ-kheo.
Phật nói kinh này xong, Bà-la-môn kia nghe những gì Đức Phật đã dạy, tùy hỷ hoan hỷ làm lễ cáo lui.

KINH 98. CANH ĐIỀN[50]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật từ Câu-tát-la du hành trong nhân gian đến trụ trong rừng Nhất-na-la[51], tại tụ lạc Nhất-na-la. Bấy giờ Đức Thế Tôn đắp y mang bát vào tụ lạc Nhất-na-la khất thực. Rồi Thế Tôn nghĩ: “Nay trời còn quá sớm. Giờ Ta hãy đi đến chỗ phân phát ẩm thực[52] của Bà-la-môn làm ruộng là Bà-la-đậu-bà-giá[53].” Bà-la-môn chuẩn bị đủ năm trăm cái cày, đang phân phát ẩm thực. Từ xa Bà-la-môn cày ruộng Bà-la-đậu-bà-giá nhìn thấy Đức Thế Tôn, bèn thưa rằng:
“Bạch Cù-đàm, nay tôi cày ruộng, gieo giống để cung cấp lương thực. Vậy, Sa-môn Cù-đàm cũng nên cày ruộng gieo giống để cung cấp lương thực!”
Phật bảo Bà-la-môn:
“Ta cũng cày ruộng gieo giống, để cung cấp lương thực.”
Bà-la-môn bạch Phật:
“Tôi không thấy Sa-môn Cù-đàm sắm cái cày, cái ách, dây buộc, cái bừa, hay cái roi, mà nay Cù-đàm lại nói: “Ta cũng cày ruộng, gieo giống, để cung cấp lương thực!”
Lúc ấy, Bà-la-môn cày ruộng Bà-la-đậu-bà-giá liền nói kệ rằng:
Người tự nói cày ruộng,
Mà không thấy cái cày;
Lại bảo tôi cày ruộng.
Xin cho biết phép cày.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ đáp lại rằng:
Tín tâm là hạt giống,
Khổ hạnh mưa đúng mùa,
Trí tuệ là cày, ách,
Tàm quý là cán cày.
Tự gìn giữ chánh niệm,
Là người giỏi chế ngự.
Giữ kín nghiệp thân, miệng,
Như thực phẩm trong kho.
Chân thật là xe tốt,
Sống vui không biếng nhác,
Tinh tấn không bỏ hoang,
An ổn mà tiến nhanh,
Thẳng đến không trở lại,
Đến được chỗ không lo.
Người cày ruộng như vậy,
Chứng đắc quả Niết-bàn.
Người cày ruộng như vậy,
Không tái sinh các hữu.
Bấy giờ, Bà-la-môn cày ruộng Bà-la-đậu-bà-giá bạch Phật rằng:
“Cù-đàm rất giỏi cày ruộng! Cù-đàm cày ruộng thật hay!”
Rồi thì, sau khi nghe Đức Thế Tôn nói kệ, tín tâm đối với ông càng tăng, Bà-la-môn cày ruộng Bà-la-đậu-bà-giá đem dâng cúng Phật một bát đầy đồ ăn thức uống thơm ngon. Đức Thế Tôn không nhận, vì có được là do nói bài kệ. Ngài bèn nói kệ rằng:
Không vì việc nói pháp,
Nhận ăn thức ăn này.
Chỉ vì lợi ích người,
Nói pháp không thọ thực.
Nói rộng như đã nói rộng với Hỏa chủng Bà-la-môn ở trước như vậy.
Lúc này, Bà-la-môn cày ruộng Bà-la-đậu-bà-giá bạch Đức Phật rằng:
“Bạch Cù-đàm, giờ con đem thức ăn này để chỗ nào?”
Phật bảo Bà-la-môn:
“Ta không thấy chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, thiên thần, hay người thế gian nào, mà dùng thức ăn này được an ổn được. Này Bà-la-môn, ông hãy đem thức ăn này để vào trong nước không có trùng hay chỗ đất nào ít cỏ tươi.”
Khi ấy, người Bà-la-môn này đem thức ăn đặt vào trong nước không có trùng, nước liền bốc khói, sôi bùng kêu xèo xèo. Như hòn sắt nóng được ném vào trong nước lạnh phát ra tiếng kêu xèo xèo; cũng vậy, thức ăn này được để vào trong nước không có trùng thì sôi bùng khói bốc lên và phát ra tiếng kêu xèo xèo. Bà-la-môn tự nghĩ: “Sa-môn Cù-đàm thật là kỳ đặc, có oai đức lớn, có oai lực lớn nên mới có thể làm cho đồ ăn thức uống thần biến như vậy.” Khi Bà-la-môn thấy thức ăn hiện điềm lành, lòng tin của ông càng tăng, lại bạch Phật rằng:
“Bạch Cù-đàm, nay con có thể được phép ở trong chánh pháp xuất gia thọ cụ túc không?”
Đức Phật bảo Bà-la-môn:
“Nay ông có thể được phép ở trong chánh pháp, xuất gia thọ cụ túc; được làm Tỳ-kheo.”
Sau khi Bà-la-môn này xuất gia rồi, một mình lặng lẽ tư duy về lý do người dòng họ quý tộc cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chánh tín, xuất gia, học đạo, sống không gia đình, cho đến đắc quả A-la-hán, tâm khéo giải thoát.



KINH 100. PHẬT (1)[59]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ở tại vườn Cấp cô độc, cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ có một Bà-la-môn đến chỗ Phật, cùng thăm hỏi sức khỏe, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật rằng:
“Bạch Cù-đàm, gọi là Phật, vậy thế nào là Phật? Là tên do cha mẹ đặt, hay là do Bà-la-môn đặt?”
Rồi Bà-la-môn liền nói kệ rằng:
Phật là tên hơn hết,
Vượt lên cả thế gian,
Là do cha mẹ đặt,
Gọi đó là Phật chăng?
Bấy giờ, Đức Thế Tôn dùng kệ đáp rằng:
Phật thấy đời quá khứ,
Thấy vị lai cũng vậy,
Cũng thấy đời hiện tại,
Tất cả hành khởi diệt,
Trí sáng biết rõ ràng,
Điều cần tu đã tu,
Điều nên đoạn đã đoạn,
Cho nên gọi là Phật.
Nhiều kiếp tìm lựa chọn,
Thuần khổ không chút vui,
Có sanh ắt có diệt,
Xa lìa dứt bụi nhơ,
Nhổ gốc gai kết sử,
Đẳng giác gọi là Phật.
Phật nói kệ xong, Bà-la-môn nghe những gì Đức Phật đã dạy, tùy hỷ hoan hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy ra đi.







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét